Những nguyên nhân gây hại đến xương của cánh chị em
Sức khỏe bộ xương của giới “quần hồng” không chỉ quan trọng cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
Vì thế, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu truy tìm nguyên nhân ảnh hưởng đến xương và cách khắc phục.
Ảnh minh họa
“Ngân hàng xương”
Khi chào đời, trong “ngân hàng xương” có khoảng 25g canxi. Khi bé gái đến tuổi trưởng thành, ngân hàng khối xương là khoảng 1.000 – 1.200g canxi. Quá trình “tích lũy vốn” canxi cho xương kéo dài đến năm 25-30 tuổi thông qua dinh dưỡng hàng ngày. Khi người phụ nữ mang thai, nhu cầu canxi là 1.200mg/ngày.
Thời gian cho con bú, nhu cầu canxi tăng lên 1.300mg/ngày. Một người mẹ nuôi con bú sáu tháng có thể mất 4-6% lượng canxi của xương nếu không được bổ sung đúng và đủ. Phụ nữ sau khi mãn kinh có nhu cầu canxi cao như thời cho con bú, 1.300 mg/ngày. Nhu cầu cao nhưng canxi lại “đỏng đảnh” dễ mất. Chỉ cần chế độ ăn nhiều đạm là lượng canxi sẽ mất đi trong quá trình tiêu hóa.
Do đó, những ai đang thực hiện chế độ ăn “lô cáp” (low carbonhydrat) cần quan tâm. Ngay cả những người ăn mặn cũng cần tăng cường canxi nhiều hơn vì natri trong muối “đuổi” canxi ra khỏi cơ thể. Sự hao mòn xương âm thầm xảy ra từ tuổi 40, cũng có trường hợp sớm hơn. Ngoài ra, “ngân hàng dự trữ” còn hao hụt khi tuổi cao.
Thập diện mai phục
Bên cạnh yếu tố nguy cơ này, sức khỏe bộ xương còn bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân.
– Lạm dụng corticoid: Theo nghiên cứu thực hiện tại BV Thống Nhất TP.HCM, bệnh nhân lạm dụng corticoid thường là phái nữ, lớn tuổi. Họ dùng thuốc để giảm đau. Người lạm dụng corticoid hay bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng dạ dày đi kèm. Do lạm dụng thuốc, “ngân hàng xương” của họ cũng bị “thâm thủng” nghiêm trọng, rất dễ bị gãy xương khi té ngã…
– Thuốc trị bệnh làm yếu xương: Tác dụng phụ của thuốc đôi khi lại “đục khoét” “ngân hàng xương”. Thuốc ức chế bơm proton trị loét dạ dày có thể làm giảm sự hấp thu canxi trong dạ dày, sử dụng lâu dài thuốc này cũng gây tăng đáng kể nguy cơ gãy xương do loãng xương. Thuốc chống lo âu, giảm đau, thuốc an thần, chống trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ gãy xương vùng hông.
– Di truyền… mất xương: Các nhà khoa học đã tìm ra 56 gen liên quan đến mật độ xương, 13 gen liên quan đến gãy xương và 9 gen có vai trò trong điều chỉnh bộ xương con người, cũng như kích hoạt tế bào hủy xương hoạt động.
Ở phụ nữ, nếu có người thân trong gia đình bị gãy xương, sẽ có nguy cơ gãy xương tăng gấp hai lần so với bình thường. Nhóm nghiên cứu của BS Hồ Phạm Thục Lan – BV Nhân Dân 115 cho kết quả: những người trong gia đình có người thân bị gãy xương sẽ có nguy cơ gãy xương do loãng xương là 22% và tăng nguy cơ gãy xương đốt sống lên 27%.
– Cơ yếu xương mềm: Theo nghiên cứu của các BS thuộc BV Nhân dân 115, ĐH Sư Phạm, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thì sức mạnh cơ tay – chân và lưng là những yếu tố quan trọng liên quan đến mật độ xương.
BS Võ Thị Mảnh – BV Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM giải thích: Trong cơ có mạch máu nuôi cơ và xương. Do đó, khi cơ khỏe thì xương sẽ khỏe”. Vận động ít sẽ loãng xương nhưng vận động nhiều, đặc biệt là những vận động viên tập luyện nhiều mà lại ăn ít, kinh nguyệt không đều có thể có khối lượng xương thấp và nguy cơ gãy xương cao.
Ngoài ra, thiếu insulin, nhẹ cân, sụt ký cũng “rút của” từ “ngân hàng xương”. Bên cạnh đó những người bước vào tuổi trung niên mà giảm trên 0,5cm chiều cao, báo hiệu là người có thể bị gãy xương khi tuổi cao sức yếu.
“Thoát hiểm”
– Không lạm dụng thuốc, khi dùng thuốc cần có chỉ định từ BS chuyên khoa điều trị.
– Phơi nắng làm tăng mật độ xương cho người cao tuổi.
– Nếu trong gia đình có người bị loãng xương, gãy xương… cần lưu ý dùng các loại thực phẩm tốt cho xương như: sữa, đậu nành, bánh mì, đậu khô, trái cây có múi (bưởi cam), cá hộp, thịt, sò, ốc…
– Tăng cường sức khỏe cơ bắp qua luyện tập thể dục thể thao. Không xách nặng, không đeo ba lô quá 5kg.
Theo PNOL
Trả lời