Ăn kham khổ vẫn bị gút, vì sao ?
Nhiều người cho rằng gout là bệnh nhà giàu, vì ăn uống toàn cao lương mỹ vị nên mới dẫn đến gout. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều người mắc bệnh dù ăn uống kham khổ.
Không chỉ là bệnh của người giàu
Nhìn ông hàng xóm đau đớn, khốn khổ về các khớp chân đau nhức, sưng tấy sau mỗi trận nhậu, bác Hoàng (Q.5, Tp.HCM) sợ lắm, lúc nào cũng giáo huấn con cháu để chúng ý thức được việc ăn uống thanh đạm quan trọng như thế nào.
Sở dĩ bác Hoàng có thể mạnh miệng răn đe con cháu như vậy là vì từ lâu bác đã có thói quan ăn chay, thậm chí có đợt bác còn ăn chay trường. Ngoài yếu tố tâm linh cũng còn bởi hệ tiêu hóa của bác rất nhạy cảm, ăn nhiều đạm, mỡ là không tiêu hóa được nên bác ăn chay lâu dần thành quen. Nếu phải đi nhậu với bạn bè, bác cứ gọi một đĩa đậu phụ luộc và một đĩa lạc rang là đủ, mặc bạn bè ăn các loại cao lương mỹ vị ngon lành trên bàn tiệc.
Ấy thế mà dạo gần đây, bỗng nhiên các cơn đau xương khớp đến quấy rầy bác ngày càng thường xuyên hơn. Các cơn đau khớp ở ngon chân cái thường xảy ra vào ban đêm khiến bác thường xuyên bị mất ngủ, khó chịu.
Khớp ngón chân cái của bác cứ sưng, nóng, đỏ, đau rất khó chịu. Mới đầu cơn đau kéo dài chỉ 1 ngày là dần đỡ, nhưng rồi nó kéo dài 2 ngày, 3 ngày thậm chí cả tuần mới có dấu hiệu thuyên giảm chút ít.
Vì nó cứ đau rồi lại không đau nên mới đầu bác Hoàng cũng lo lắng, nhưng sau mặc kệ cho cơn đau vì biết rằng rồi nó sẽ qua. Lâu dần, cơn đau xuất hiện ở cả các khớp khác, đến khi không thể chịu đựng được, bác Hoàng phải nhờ con trai đưa đến bệnh viện khám.
Sau một hồi hỏi han bệnh tình và thăm khám các khớp bàn chân, bác sỹ kết luận bác Hoàng đã bị bệnh gout. Lời bác sỹ như sét đánh ngang tai khiến bác Hoàng phát hoảng.
Cũng giống như bác Hoàng, bác Tùng cũng té ngửa khi nghe bác sỹ kết luận mình bị gout, thậm chí đã biến chứng sang suy thận ở thể nhẹ vì để bệnh quá lâu mới đi khám. Bác Tùng chủ quan không đi khám bác sỹ khi chân xuất hiện những cơn đau khớp là vì bác nghe người ta nói bệnh gout chỉ làm phiền những người nhà giàu, ngày ngày được ăn uống đầy đủ.
Bác Tùng thì chẳng có điều kiện ăn những món cao lương mỹ vị vì nhà ông không có điều kiện kinh tế. Thức ăn chính mà vợ chồng bác ăn hằng ngày là đậu phụ, các món rau, muối vừng, muối lạc, thịt nạc… Bác Tùng cũng cảm thấy các cơn đau xương khớp ở hai bàn chân, nhưng cứ sau một hồi xoa dầu, nặn bóp bác lại cảm thấy cơn đau bớt đi nên chủ quan. Mãi đến khi đi khám mới biết bị bệnh gout.
Ăn kham khổ vẫn có thể bị gút
Theo BS CKI Hoàng Văn Dũng (Khoa Nội thận khớp, BV 198): Gout là bệnh do rối loạn chuyển hoá liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Vì thế, các loại thức ăn nhiều chất đạm mà người ta vẫn coi là nguyên nhân gây ra bệnh gout chỉ là một trong những yếu tố, nguy cơ gây bệnh chứ không phải là nguyên nhân chính gây bệnh gút.
Vì thế, kể cả khi người bệnh ăn chay trường hoặc ít ăn thịt cá như bác Hoàng và bác Tùng trên vẫn có thể mắc bệnh gút nếu trong cơ thể có những rối loạn chuyển hoá purine.
BS Dũng cũng cho biết, nguyên nhân gây bệnh gout gồm 2 nhóm:
– Gút nguyên phát: có tính chất di truyền, liên quan đến rối loạn gene và mang tính di truyền về cơ địa, những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purine nội sinh tăng nhiều, gây tăng acid uric. Theo các nghiên cứu, có đến 95% bệnh nhân bị gout nguyên phát. Điều này lý giải vì sao, vẫn có những người ăn uống kham khổ vẫn có thể bị bệnh gout.
Cụ thể:
+ Do di truyền chiếm 25%: nếu bố hoặc mẹ bạn mắc bệnh gout, nguy cơ mắc bệnh của bạn tăng thêm 20%.
+ Hội chứng X (rối loạn chuyển hóa glucid- protid-lipid): làm tăng tổng hợp purine nội sinh, dẫn đến tạo nhiều acid uric, và tăng acid uric huyết thanh, gây bệnh gout.
+ Ở nhóm bệnh này, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hắn, thậm chí chiếm đến 95% và thường khởi phát tuổi trung niên.
– Gout thứ phát: Khi acid uric trong máu đột nhiên tăng cao, có thể do những nguyên nhân sau:
+ Do tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều purine (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua…), uống nhiều rượu, bia…
+ Do trong cơ thể tăng purine nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học như bệnh đa hồng cầu, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính.
Cần lưu ý trong ăn uống và sinh hoạt nếu đã bị gút
Theo BS Dũng, nếu đã bị bệnh gút, người bệnh cần lưu ý trong chế độ ăn uống để giảm acid uric máu. Bệnh nhân gout cần hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều purine như tim, gan, thận, óc, trứng lộn, cá chích, cá đối… vì chúng là những loại thức ăn giàu đạm, không tốt cho bệnh nhân bị gout.
Bạn cũng không cần kiêng tuyệt đối bất kỳ loại thức ăn nào, tuy nhiên cần lưu ý đến lượng đạm có trong loại thức ăn đó để không ăn quá nhiều, ảnh hưởng đến bệnh gút.
Bạn nên tăng cường lượng rau xanh trong các bữa ăn hằng ngày, đồng thời tập thói quen uống nhiều nước để thải bớt acid uric ra ngoài theo đường tiểu. Những loại thực phẩm như: ngũ cốc, các loại hạt, rau nhiều chất xơ là những thực phẩm có lượng purine thấp lại có khả năng giảm nồng độ acid uric trong máu nên các bệnh nhân gout nên ăn nhiều các loại thực phẩm này hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn thêm quả anh đào và quả mâm xôi vì chúng rất tốt cho sức khỏe.
Những thực phẩm chứa lượng vitamin C cao cũng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng sản xuất acid uric. Vì thế, bệnh nhân gút nên hạn chế các loại thuốc viên vitamin C hoặc những thực phẩm chứa lượng vitamin C cao.
Bệnh nhân gút cũng nên ngừng uống rượu, hạn chế uống bia để ổn định lượng acid uric trong cơ thể.
Còn trong sinh hoạt, bệnh nhân gout nên chăm ngâm chân với nước nóng hàng ngày nhất là trong giai đoạn đang bị viêm khớp cấp tính. Đồng thời, người bệnh cũng nên chăm tắm sông, tắm biển để các cơ, khớp được vận động, khỏe mạnh hơn. Việc tập luyện thể dục thể thao cũng rất cần thiết với những bệnh nhân gout nhưng chỉ nên tập các bài tập vừa sức và vận động đều đặn, thường xuyên.
Theo SKGĐ
Trả lời