Trẻ lạm dụng vitamin dễ gây sỏi thận
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều ông bố bà mẹ tìm cách bù đắp thời gian thiếu hụt chăm sóc con bằng các loại vitamin và khoáng chất.
Nhiều ẩn hoạ khôn lường bắt đầu từ đây…
Lạm dùng thuốc vì cuộc sống tất bật?
Chị Hoa là nhân viên của một công ty nước ngoài. Hàng ngày chị ra khỏi nhà từ 6h30 sáng và về đến nhà lúc 6 giờ tối. Chính vì thế, chị chẳng còn thời gian chăm sóc cho con cái và gia đình.
Thay vì đi chợ hằng ngày và chọn các món rau, thịt tươi, chị mua đồ đông lạnh để ăn cả tuần và mua thêm ba hộp Kid-Plus – bổ sung vitamin tổng hợp cho con. Chị cho rằng, với bữa ăn đơn giản mà chị vẫn nấu thì không thể đủ chất cho con trẻ, nên chị phải bổ sung dinh dưỡng, vitamin cho con bằng các loại thuốc người ta vẫn hay quảng cáo trên ti vi.
Vợ chồng trẻ Ngọc – Hoà lần đầu tiên nuôi con cũng đã ra sức mua các loại vitamin để “cải thiện” chiều cao cho bé. Anh chị đã mua vitamin tổng hợp Cefuxxin, rồi các loại thuốc chống thiếu sắt, các khoáng chất… để bổ sung dinh dưỡng cho con.
Thấy con chán ăn, chị không đưa khám bác sĩ mà ra luôn nhà thuốc, mua các thuốc chống chán ăn của trẻ vốn quảng cáo và bán nhan nhản ngoài hiệu thuốc. “Ôi, nó chỉ là loại bổ sung chất bổ. Uống nhiều chắc cũng chả sao, không bổ nọ thì bổ kia” – chị Ngọc quan niệm.
Mới chưa đầy năm nhưng con của anh chị đã uống đủ thứ thuốc. Thế nhưng, sức khỏe, chiều cao chả thấy đâu, chỉ thấy con anh chị vẫn cứ còi cọc mãi.
Chị Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) lại sinh vào tháng 9. Lúc này, con chị không được uống vitamin A và D đúng đợt định kỳ là tháng 6. Tháng 12 thì chưa tới nên chị rất sợ con thiếu vi chất. Thế là chị cũng đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ cho con.
Vitamin cũng gây hoạ
Một trong những lý do khiến các bà mẹ dễ dàng cho con uống các loại bổ dưỡng chính là tác động từ những chương trình quảng cáo. Loại thuốc nào cũng được ca ngợi như là thần dược; thuốc nào cũng hay, tốt, bổ sung các loại chất khiến con bạn trở nên thông minh, thần đồng. Bên cạnh đó, các hãng thuốc còn quảng cáo cả sự kiểm nghiệm của trung tâm hàng đầu của Mĩ, Nhật…
Thế là, cộng với lòng yêu con vô bờ bến, những đứa trẻ vô tình trở thành nơi hứng đủ các loại thử nghiệm từ thuốc tăng cường sức đề kháng, thuốc kích thích ăn uống… của bố mẹ.
Sinh năm 1979, chị Thanh có tới 2 mặt con. Bé lớn 3 tuổi, bé thứ hai mới hơn 1 tuổi nhưng cả hai ốm vặt như cơm bữa, nhất là bệnh viêm phế quản mỗi khi trái gió trở trời.
“Sau nhiều đêm phải mất ngủ ngồi chong chong canh con sốt vì hết viêm họng lại sang viêm phổi, tôi đưa con đi khám tổng thể sức khỏe và được một bác sĩ khoa nhi tư vấn nên cho các con uống vitamin tăng cường sức đề kháng. Sau hai tháng uống thuốc, trộm vía, tôi thấy cháu cũng bớt ốm vặt hơn trước”, chị Thanh khoe.
Theo chị, mỗi một gói thuốc tăng sức đề kháng đó có giá 14.000đồng, mỗi ngày 2 con chị uống mỗi cháu một gói là 28.000đồng. Uống liên tục trong 3 tháng, cứ hết mỗi tháng lại cách quãng 10 ngày rồi uống tiếp.
Vừa khoe hôm trước, hôm sau thời tiết thay đổi, đã thấy chị Thanh thông báo là hai đứa lại ốm. “Chẳng rõ thuốc công dụng thế nào, hay chưa ngấm nên chưa phát huy tác dụng. Nhưng dù thế nào, tôi thà mất tiền mua yên tâm còn hơn nghe bác sĩ khuyên mà không cho con uống”, chị Thanh bộc bạch.
Theo ThS.BS Lưu Mỹ Thục, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Trung ương, tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng Viện nhi cũng có trường hợp ngộ độc do dùng quá liều vitamin, thường hay gặp nhất là ngộ độc vit D. vit C (đau dạ dày, sỏi thận, sỏi oxalat..).
BS Thục cũng cho biết, hàng ngày, hầu như các bà mẹ dẫn con đến xin tư vấn dinh dưỡng đều đề nghị bác sỹ cho con mình uống bổ sung Vitamin để con chóng lớn và thông minh.
“Đó là nhu cầu chính đáng của các bà mẹ mong muốn những điều tốt cho con mình nhưng họ không nghờ rằng việc sử dụng vit không theo chỉ định của BS sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”, BS Thục cảnh báo.
Theo VTC news
Trả lời