Những bệnh xương khớp thường gặp đối với người lái xe
Bệnh biểu hiện ở các mức độ khác nhau như đau, mỏi lưng, đôi khi đau thắt, hạn chế khom cúi, có thể kèm theo tê lưng, mông.
Bệnh xương khớp là căn bệnh để lại những hậu quả không tốt cho cuộc sống hiện tại và cả sau này. Một trong những người có nguy cơ mắc phải các bệnh về xương khớp này là những người phải lái xe thường xuyên
Theo các chuyên gia cho biết ngày càng nhiều người bị bệnh cơ xương khớp liên quan đến thói quen lái xe và tư thế ngồi không đúng cách. Sau đây là 6 bệnh về xương khớp hay gặp nhất:
1. Hội chứng vai gáy
Hội chứng vai gáy thường gặp khi lái xe quá lâu ở một tư thế. Bệnh nhân thường đau mỏi gáy, lan sang hai bên vai, có thể kèm tê vai. Với hội chứng này, kết quả chụp X-quang cột sống cổ bình thường. Việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau.
2. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng này rất phổ biến ở Việt Nam. Triệu chứng thường gặp là đau, mỏi, tê bàn tay, ngón tay, có thể lan lên cẳng tay, cánh tay, vai. Khi lái xe lâu, triệu chứng sẽ biểu hiện rõ hơn, lúc buông tay lái và vẫy vẫy một lúc thì bớt. Bệnh được chẩn đoán bằng cách đo điện cơ 2 tay. Phương pháp điều trị phổ biến là tiểu phẫu giải phóng ống cổ tay.
3. Thoái hóa cột sống cổ
Triệu chứng của bệnh thường là đau, mỏi gáy, lan sang vai, có thể kèm tê vai, lan xuống tay một bên hoặc hai bên, lắc bẻ cổ có tiếng kêu “rắc rắc”. Kết quả chụp X-quang cột sống sẽ cho thấy hình ảnh thoái hóa cột sống cổ.
Việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau, bổ sung vitamin nhóm B, cải thiện tình trạng loãng xương, tập vật lý trị liệu.
4. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Bệnh biểu hiện ở các mức độ khác nhau như đau, mỏi lưng, đôi khi đau thắt, hạn chế khom cúi, có thể kèm theo tê lưng, mông. Kết quả chụp X-quang cột sống thắt lưng cho thấy hình ảnh thoái hóa cột sống thắt lưng.
Cách điều trị bệnh này chủ yếu là dùng thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau, vitamin B, tập vật lí trị liệu, cải thiện tình trạng loãng xương.
5. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường kêu đau, mỏi lưng, đôi khi đau thắt, hạn chế khom cúi, có thể kèm theo tê lưng, mông và chân. Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh thoát vị đĩa đệm tùy phân độ 1, 2, 3, 4. Ở phân độ 1, 2, thường được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau, vitamin B, cải thiện tình trạng loãng xương, tập vật lý trị liệu. Với phân độ 3,4 thường phải phẫu thuật.
6. Viêm mỏm trên lồi cầu ngoài
Người bị bệnh này thường kêu đau, mỏi ở vùng ngoài khủy tay, hạn chế vận động sấp cẳng bàn tay, ấn thì thấy đau nhiều vùng mỏm trên lồi cầu ngoài.
Với bệnh này, uống thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau thường không hiệu quả. Việc tiêm k-cort, hydrocortisone cho hiệu quả tức thời nhưng sẽ tái phát sau 6 tháng. Tiêm nhiều lần nhiều biến chứng loãng xương, tang huyết áp, giữ mỡ, loét dạ dày, tá tràng, mỏng da….
Hiện nay các bác sĩ thường áp dụng liệu pháp PRP (Platelet Rich Plasma – huyết tương giàu tiểu cầu) để điều trị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài. Đây là phương pháp mới, hiệu quả cao, bệnh hết hẳn và không bị biến chứng.
Vậy làm thế nào để phòng bệnh xương khớp liên quan đến lái xe?
– Khi cầm lái, nên ngồi thẳng, giữ cho cột sống thẳng như tư thế đứng, hạn chế chở nặng. Khi dừng đèn đỏ, nên xuôi 2 tay, các đầu ngón tay hướng xuống đất để máu lưu thông về tay tốt.
– Thường xuyên vận động: Việc luyện tập không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn tốt cho hệ xương, cơ và khớp.
– Căng duỗi: Căng duỗi khớp sẽ giúp cơ bắp được tăng cường và củng cố các khớp. Lưu ý là phải khởi động kỹ các khớp trước khi thực hiện bài tập căng duỗi nếu không sẽ có thể dẫn tới kết quả ngược.
– Chế độ ăn uống hợp lý: Xương của bạn cần một lượng lớn dinh dưỡng để khỏe mạnh. Vì thế các thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi sẽ hỗ trợ cho hệ khớp trong cơ thể không bị sớm suy thoái.
– Uống đủ nước: Nước chiếm 70% thành phần của sụn và duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương. Cần uống nước đầy đủ, nhất là về mùa đông không nên ngại uống nước.
Tổng Hợp ( GĐVN )
Trả lời