Các biện pháp phòng chống viêm xoang ở trẻ
Viêm xoang là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng tới sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Cha mẹ cần hiểu nguyên nhân và điều trị bệnh kịp thời cho trẻ để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Các nguyên nhân dẫn đến viêm xoang ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm xoang, có thể xếp vào các nhóm sau:
Môi trường xấu
Trong số những nguyên nhân bên ngoài dẫn đến bệnh viêm xoang, phổ biến nhất là không khí ô nhiễm do khói bụi, khí thải từ các nhà máy, xe cộ… nhất là ở các thành phố và đô thị lớn. Môi trường không trong lành làm vùng xoang mũi dễ bị dị ứng, hoặc bội nhiễm. Tiếp đến là do tiếp xúc, chẳng hạn như khi bơi lội tại những hồ bơi có chất lượng nước không đảm bảo, những người có bệnh lý tiềm ẩn về vách ngăn hoặc có cơ địa dị ứng thì khi tiếp xúc với nước dơ thường xuyên cũng sẽ gây nên viêm xoang.
Nếu như ở miền Nam, trẻ em phải đối mặt với khói bụi, ô nhiễm môi trường thì ở miền Bắc còn thêm cả yếu tố thời tiết. Thời khắc giao mùa, nóng sang lạnh, lạnh sang nóng, sức đề kháng của trẻ kém, không kịp thích nghi vì vậy trẻ dễ thành nạn nhân của các bệnh về hô hấp nói chung, viêm xoang nói riêng.
Dị ứng
Viêm mũi xoang dị ứng xuất hiện khi tiếp xúc với các dị nguyên như bụi nhà, thực phẩm (trứng, sữa, các loại hải sản…). Các bé thường thích đùa nghịch với thú cưng như chó, mèo… lông của chúng lọt vào hốc xoang và gây dị ứng, rồi dẫn tới viêm xoang.
Sức đề kháng kém
Sức đề kháng kém khiến cơ thể trẻ không thể chống chọi lại các loại khuẩn gây bệnh về đường hô hấp, từ đó dẫn tới viêm xoang. Một số nguyên nhân bên trong thường gặp là viêm xoang do sâu răng; viêm xoang do sau chấn thương, máu tụ trong xoang; ở trẻ em có thể do bị viêm a-mi-đan gây nhiễm trùng… Ngoài ra còn có những nguyên nhân tự nhiên như người có cơ địa bệnh lý về polip, niêm mạc thoái hóa tạo thành khối polip (khối u lành tính) trong mũi, trong xoang, dẫn đến viêm xoang do polip.
Vệ sinh kém
Không năng rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân đầy đủ, dùng tay ngoáy mũi hay để gỉ mũi lâu ngày vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.
Phòng và điều trị viêm xoang cho trẻ
Cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Cha mẹ cần bổ sung cho con một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3… trong bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc… Nên cho bé ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để giúp hệ miễn dịch của bé được tăng cường.
Trong tiết trời lạnh, cha mẹ nên mặc ấm cho bé. Cho bé tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm phòng của Quốc gia.
Thường xuyên vệ sinh chân tay cho bé. Không nên cho bé ăn đồ ăn lưu cũ từ lâu vì khả năng có vi khuẩn trong đó là rất cao.
Khi trẻ có dấu hiệu bị viêm xoang cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở chuyên khoa để khám. Tuyệt đối cha mẹ không tự bắt bệnh, tự kê đơn cho trẻ, không cho trẻ dùng thuốc dành cho người lớn. Việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn của chuyên gia.
Theo SK
Trả lời