Cách chăm sóc cho trẻ bị sún răng sữa
Mòn răng, sún răng cũng có thể do các loại kháng sinh do mẹ dùng khi mang thai, do không biết chăm sóc răng miệng cho con đúng cách, và một phần do yếu tố di truyền.
Nhiều người cho rằng, sún răng sữa ở trẻ là điều bình thường, không ảnh hưởng gì tới việc mọc răng trưởng thành của trẻ.
Sự thật thì răng sún không chỉ làm hỏng răng sữa mà còn ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn và nướu của trẻ.
Sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn
Bé Nhật Linh (Ninh Bình) năm nay lên 5 tuổi, bé hiếu động và hay cười, nhưng lúc có đông người con bé chỉ cười mỉm, mỗi lần vui quá cười lớn con bé vội vàng lấy tay bụm miệng. Hỏi ra mới biết cháu bị sâu và sún răng sữa.
Nhìn hàm răng của cháu, ai cũng giật mình. Toàn bộ phần răng trước cửa, ở cả hai hàm đều bị sún, các răng đen, mục, chiếc còn chiếc mất. Có chiếc chỉ còn thấy một mẩu chân răng nằm sâu trong lợi. Răng sâu và sún nhiều khiến cô bé ăn uống khó khăn, mỗi lần cắn vào đồ cứng, giai, cô bé lại sít lên vì đau.
Chị Thư, mẹ Nhật Linh cho biết: “Cháu cũng hay ăn kẹo nhưng vẫn đánh răng thường xuyên. Tôi có đưa cháu đi khám nhưng bác sĩ nói là khi cháu mọc răng vĩnh viễn tình trạng này sẽ chấm dứt, răng mới của cháu mọc lên cũng sẽ không ảnh hưởng gì”.
BS Bùi Ngọc Hân – giảng viên trường ĐH Y, khoa Răng Hàm Mặt cho biết: Trẻ bị sâu răng, sún răng do nhiều nguyên nhân, phần lớn trẻ là do là do ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn chứa nhiều đường, thường xuyên uống đồ uống có gas. Các loại thực ăn này khiến cho lớp men răng của trẻ bị tổn thương, bị ố và mủn dần.
Mòn răng, sún răng còn do trẻ bị thiếu canxi và fluor trong chế độ dinh dưỡng dẫn đến răng bị tổn thương. Răng mủn dần và tiêu đi cho đến khi chỉ còn một chút chân răng tụt sâu xuống lợi, màu đen, cứng, không gây đau cho bé. Mòn răng, sún răng cũng có thể do các loại kháng sinh do mẹ dùng khi mang thai, do không biết chăm sóc răng miệng cho con đúng cách, và một phần do yếu tố di truyền.
Không chỉ chị Thư mà rất nhiều bà mẹ đều cho rằng răng sữa của trẻ chỉ cần được thay bằng răng vĩnh viễn thì sẽ không có vấn đề gì. Răng bé sẽ vẫn trắng và khỏe như thường. Vì thế, khi trẻ bị sún răng, phần lớn các mẹ chỉ cho trẻ vệ sinh răng miệng thông thường mà không đưa trẻ đi khám hay quan tâm sâu sắc tới nó, khiến cho hàm răng của con cứ mỗi ngày một… hao hụt.
“Răng bị sún thường không gây đau hay nhức mà chỉ mòn dần đi. Răng khi bị tiêu, sún cũng sinh ra những vi khuẩn có hại, gây tổn thương đến nướu và sự hình thành răng vĩnh viễn sau này” – BS Hân cho biết.
Về cơ bản, mòn, mủn răng sữa không gây biến chứng hoặc gây sâu răng, nhưng sẽ hạn chế khả năng nhai, cắn nhỏ thức ăn của trẻ khiến cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Răng sữa là răng định hướng cho răng vĩnh viễn mọc sau đó. Nếu răng sữa bị rụng quá sớm, hay nhổ răng sữa khi răng vĩnh viễn chưa mọc kịp thì răng vĩnh viễn sẽ mọc xô lệch, không đúng trật tự do nướu đã đóng kín và khiến trẻ bị đau.
Hơn nữa, hàm răng không đẹp cũng khiến trẻ tự ti, thiếu tự nhiên trong giao tiếp. Việc phát âm các âm S, T, V… cũng khó hơn khiến cho trẻ tăng nguy cơ bị nói ngọng.
Giữ cho con có nụ cười tự nhiên với hàm răng chắc khỏe (Ảnh minh họa)
Làm gì để trẻ có hàm răng chắc khỏe?
Để không ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn thiện của trẻ, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến vệ sinh răng miệng cho trẻ. Ngay từ khi sơ sinh, cha mẹ thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dụng cụ đánh tưa. Khi trẻ được trên 6 tháng cần hạn chế việc cho trẻ bú đêm. Sau khi trẻ bú cần cho trẻ uống nước lọc để rửa miệng.
Đặc biệt, đối với trẻ dưới 1 tuổi không nên cho uồng thuốc kháng sinh tetracycllin, vì loại kháng sinh này sẽ làm tăng nguy cơ xấu răng vĩnh viễn.
Khi trẻ mọc đủ răng sữa (từ 2 – 3 tuổi) trẻ ăn cơm và nhiều loại thức ăn khác nhau nên cha mẹ cần tập cho trẻ đánh răng và hình thành thói quen đánh răng hàng ngày. Khi trẻ ăn xong cần cho trẻ súc miệng bằng nước lọc và súc miệng nước muối hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng với canxi và fluor rất cần cho sự phát triển hệ xương và làm cho răng của trẻ trở nên chắc khỏe hơn. Trứng, cá, sữa và các chế phẩm từ sữa là thành phần quan trong trọng việc bổ sung dưỡng chất này cho trẻ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Hạn chế cho trẻ ăn các đồ ăn nhanh có nhiều đường, chất tạo ngọt như bánh, kẹo…
BS Hân khuyến cáo, khi trẻ bị sún răng cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được khám, tư vấn chăm sóc răng miệng. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám răng định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần, đánh răng thường xuyên và sử dụng chỉ nha khoa để trẻ luôn giữ được nụ cười tự nhiên với hàm răng chắc khỏe của mình.
Theo Gia đình Việt Nam
Trả lời