Chị em đánh son môi đỏ thì phải biết điều này

Đến nay, việc điều trị thải độc chì được khuyến cáo dùng liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí cả đời.

Biểu hiện mất ngủ, bị táo bón, hay quên, một nữ MC đã gặp chuyên gia chống độc và tiến hành xét nghiệm chì trong máu thì bất ngờ phát hiện chỉ số gấp 3 lần mức cho phép. MC này cho biết, cô thường xuyên đánh son đậm màu đỏ, cam…
copy-of-aaaaa-1492479354316
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên hạn chế dùng màu đậm, khi đánh rồi không nên liếm môi, trước khi ăn cần lau sạch son. ảnh minh họa
Lần đầu tiên có ca nhiễm chì nặng nghi do son môi

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cách đấy mấy tháng, rất tình cờ khi ông đến ghi hình tại một đài truyền hình, một nữ MC đã hỏi riêng ông rằng: Liệu cô có bị nhiễm chì không khi có nhiều biểu hiện như mất ngủ, táo bón, hay quên…?

Tiến hành kiểm tra răng nữ MC thì vị chuyên gia đã phát hiện viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, có ánh kim loại. Sau khi lấy máu xét nghiệm, ông phát hiện lượng chì trong máu của cô đã lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép. Sau đó ông có hỏi thêm về những thói quen thường ngày, được biết cô MC này không dùng thuốc Nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì khác, ngoại trừ việc dùng son đậm màu đỏ, đỏ cam hàng ngày. Theo PGS.TS Phạm Duệ, trong suốt nhiều năm làm nghề thì đây là trường hợp ngộ độc chì vì dùng son môi đầu tiên ông gặp tại Việt Nam.

PGS.TS Phạm Duệ cho biết, với những trường hợp này sẽ phải thải độc chì.“Sẽ cần thời gian dài để thải độc chì vì khi dùng thuốc, chì trong máu sẽ tụt nhanh, khi đó dùng thuốc thêm cũng không có tác dụng. Bệnh nhân cần nghỉ một thời gian rồi mới có thể tiếp tục thải chì được”, PGS.TS Phạm Duệ thông tin, cùng đó, ông khuyên chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, đặc biệt màu đỏ – cam, khi đánh rồi không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch son.

Các chuyên gia cho biết, nhiều loại son có chứa thành phần chì, son càng nhiều chì thì càng bám dính lâu. Kim loại chì sử dụng trong son môi dù với một lượng rất nhỏ sẽ dễ dàng đi vào cơ thể khi được nuốt vào hay hấp thu qua da môi. Các bác sĩ lưu ý, nếu trong son có hàm lượng chì thấp thì nó sẽ đào thải ra ngoài, nhưng dùng quá nhiều khả năng tích tụ vẫn xảy ra. Để tránh son môi chứa chì, chị em nên đọc kỹ thông tin trên loại son muốn mua và thời hạn sử dụng ghi trên vỏ sản phẩm.

Chì vào cơ thể bằng cách nào?

Trung tâm Chống độc là nơi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm độc chì, gồm cả trẻ em và người lớn, thậm chí có cả phụ nữ mang thai. ThS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay: Có rất nhiều ca bệnh bị bỏ qua vì người bệnh không hề nghĩ đến nguyên nhân mình bị ngộ độc chì. Những gì phát hiện được chỉ là “tảng băng nổi” mà thôi.

Theo thống kê từ 2011-2016 tại Trung tâm này, có tới 894 trẻ ngộ độc chì với ngưỡng trên 10mcg/dL từ 26 tỉnh, thành phố. Trong đó, ít nhất 2 trường hợp tử vong.

ThS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo: Nếu trẻ em bị nhiễm độc chì mà không được thải độc sớm thì khả năng bị tổn thương não, teo não, ảnh hưởng trí tuệ rất cao. Ngoài ra, nếu trẻ bị nhiễm độc chì có thể có những tổn thương cơ quan khác, gây thiếu máu, tim mạch, phát triển vận động, tiêu hóa… “Dù hàm lượng chì ít thôi cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, giảm chỉ số thông minh của trẻ”, ThS Nguyễn Trung Nguyên nói.

Khi bị ngộ độc chì, bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, xanh xao, thiếu máu. Do các triệu chứng của bệnh kín đáo nên hay nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Bệnh nhân chủ quan, không khai với bác sĩ, nhân viên y tế về lịch sử sử dụng các loại thuốc nên không nghi ngờ và không tiến hành xét nghiệm nồng độ chì trong máu.

Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc, cùng với các triệu chứng này, các bác sĩ sẽ hỏi quá trình từng dùng thuốc cam hay không (số trường hợp nhiễm độc chì vì thuốc cam khá nhiều), môi trường tiếp xúc có nguy hiểm không và tiến hành kiểm tra hàm lượng chì trong máu. Theo quy định, nồng độ chì trong máu trên 10mcg/dL là nhiễm độc chì. Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc, phát hiện có trường hợp nồng độ chì trong máu gấp đến cả trăm lần nồng độ lý tưởng. PGS.TS Phạm Duệ cho biết, tại Mỹ đã giảm ngưỡng nồng độ chì bình thường trong máu xuống dưới 5mgc/dL thì tiêu chuẩn Việt Nam vẫn là 10mcg/dL.

Các bác sĩ cũng cho biết, có 4 con đường chính để chì hấp thụ vào cơ thể: Thứ nhất, tiếp xúc lâu dài qua da. Thứ hai, qua hô hấp do hít thở hàng ngày từ bụi sơn chì, hơi xăng xe. Con đường này gây nhiều nguy hại và ảnh hưởng tới trẻ em nhiều hơn do tốc độ chì lắng đọng ở phổi của trẻ cao hơn gấp 2,7 lần người lớn. Thứ ba, qua tiêu hóa, đây là đường phổ biến nhất thông qua các thực phẩm chứa thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Ngoài ra, một số trẻ có thói quen ngậm các đồ vật có chì cũng là nguyên nhân gây ngộ độc chì.

Con đường nữa khiến chì hấp thụ qua cơ thể là qua nhau thai, sữa mẹ. Nếu mẹ bị nhiễm độc chì, chì sẽ qua nhau thai và sữa mẹ gây ngộ độc cho con. Do nhạy cảm hơn nên mẹ có thể chưa có biểu hiện ngộ độc nhưng con đã ngộ độc chì cấp.

Đến nay, việc điều trị thải độc chì được khuyến cáo dùng liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí cả đời.

Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ (30 tuổi, ở Hà Nội) vì uống thuốc Nam chứa chì đã bị liệt tứ chi, teo cơ, chỉ nặng 32 kg, sụt 8kg trước khi ốm. Đây là bệnh nhân bị liệt nặng nhất do tác hại của chì mà bác sĩ gặp.
Bệnh nhân cho biết, tháng 9 năm ngoái chị bị đau khớp, khám không phát hiện bệnh. Chị uống thuốc chữa bệnh phong hàn của một bà lang gần nhà. Số thuốc này gồm cả loại bột, thuốc viên, thuốc sắc uống. Sau 3 tháng, chị sụt cân, xanh xao, liệt tứ chi, vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, chẩn đoán bị ngộ độc chì. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu lên đến 188,79 mcg/100 ml; viên thuốc bà lang cho bệnh nhân uống có gần 3% là chì.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh rất nặng do chì, thiếu máu, liệt cơ thể, không thể tự nghiêng mình được. Chân tay người bệnh teo lại, hiện không thể tự vận động chăm sóc bản thân được. Bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị thải độc chì. Trung tâm Chống độc mời bác sĩ cơ xương khớp, phục hồi chức năng hội chẩn để giúp chị vận động lại được. Tuy nhiên, tổn thương dây thần kinh khó có thể hồi phục lại 100% như lúc đầu.

The Gioi Cay Thuoc

Cùng Danh Mục :

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Hotline 24H Mua Hang Online