Con người có bao nhiêu loại trí nhớ ?
Trí nhớ là một khả năng của các sinh vật sinh sống có thể lưu giữ những thông tin quan trọng để sử dụng khi cần. Có ba loại trí nhớ: trí nhớ giác quan, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
Trí nhớ giác quan
Vùng ghi nhớ tạm thời là dạng ngắn nhất của trí nhớ. Vùng ghi nhớ này có thể lưu giữ thông tin tạm thời sau khi nhân tố kích thích kết thúc. Nó hoạt động như một tầng đệm để thu nhận kích thích từ 5 giác quan: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác.
Thông tin được thu nhận chính xác nhưng trong khoảng thời gian ngắn. Thông tin được đưa từ trí nhớ tạm thời sang trí nhớ ngắn hạn qua quá trình chú ý (quá trình nhận thức có chọn lọc, tập trung vào một khía cạnh nào đó và bỏ qua tất cả những điều còn lại), quá trình này chọn lọc hiệu quả các kích thích chúng ta muốn ghi nhớ.
Trí nhớ ngắn hạn
Trí nhớ ngắn hạn hoạt động như “một xấp giấy rời” dùng để nhớ lại tạm thời thông tin đã được xử lý. Nó có khả năng nhớ và xử lý thông tin cùng một lúc. Trí nhớ ngắn hạn có thể lưu giữ một lượng thông tin nhỏ (từ 5 – 9 thông tin). Tuy nhiên, khả năng nhớ thông tin có thể được tăng cường thông qua một quá trình gọi là “tập luyện” trí nhớ trong tâm trí ở tình trạng hoạt động, sẵn sàng có thể sử dụng trong một thời gian ngắn (thường khoảng từ 10 – 15 giây, đôi khi có thể lên đến 1 phút).
Tuy nhiên, thông tin này sẽ nhanh chóng biến mất trừ khi chúng ta cố gắng lưu giữ lại một cách có ý thức. Trí nhớ ngắn hạn là bước cần thiết đi đến giai đoạn tiếp theo, trí nhớ dài hạn. Sự chuyển thông tin đến vùng trí nhớ dài hạn để nhớ được lâu hơn có thể được kích hoạt và cải thiện bằng cách lặp lại thông tin đó, hoặc hiệu quả hơn nữa, bằng cách gắn thông tin đó với một ý nghĩa hoặc những kiến thức có sẵn. Động lực cũng là một điều quan trọng, khi thông tin liên quan đến một điều quan trọng của chúng ta, nó sẽ dễ được lưu vào bộ nhớ dài hạn hơn.
Trí nhớ dài hạn
Trí nhớ dài hạn được dùng để lưu trữ thông tin trong thời gian dài. Mặc dù có vẻ chúng ta quên đi mỗi ngày, dường như trí nhớ dài hạn bị mai một rất ít qua thời gian và có thể lưu trữ lượng thông tin không giới hạn trong thời gian vô hạn. Trí nhớ ngắn hạn có thể trở thành trí nhớ dài hạn qua quá trình hợp nhất, gồm việc nhắc lại nhiều lần và kết hợp với ý nghĩa.
Không giống như trí nhớ ngắn hạn (chủ yếu dựa vào âm thanh, ít hình ảnh để lưu trữ thông tin), trí nhớ dài hạn mã hóa thông tin để lưu trữ (dựa trên ý nghĩa và sự liên tưởng). Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng bộ nhớ dài hạn cũng được mã hóa bằng âm thanh. Trí nhớ dài hạn có hai dạng chính: trí nhớ bạn có thể tường thuật lại (ví dụ: bạn nhớ được Thủ đô của Việt Nam là Hà Nội, hay bạn nhớ được những sự kiện đã từng xảy ra…) và trí nhớ tiềm ẩn (như khả năng chơi piano, chơi golf…).
Theo thuocthang
Trả lời