Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp
Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp là một nhóm bệnh lý rất thường gặp. Tuỳ theo tổn thương viêm ở gân, dây chằng, túi thanh dịch hay bao gân mà có các bệnh viêm gân, viêm bao hoạt dịch gân, viêm gân nơi bám tận. Trong nhóm bệnh này, viêm gân và bao gân vùng khuỷu tay, cổ bàn tay, vai, gối và quanh mắt cá thường gặp nhất.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song gặp chủ yếu ở nữ, tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Theo một số nghiên cứu có tới 11,6% công nhân ngành dệt ở Hoa Kỳ mắc bệnh lý viêm gân, bao gân. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là thể hay gặp nhất ở vùng khuỷu tay, gặp ở 1-3% dân số và thường ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi.
Bệnh không nguy hiểm nhưng thường gây đau làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, lao động thường ngày của bệnh nhân. Có thể kể tên một số bệnh hay gặp như viêm gân gấp (còn gọi là ngón tay lò xo vì ngón tay bị bệnh bật như lò xo) ở bàn tay; viêm mỏm châm quay, hội chứng DeQuervain ở vùng cổ tay; viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay ở vùng khuỷu tay.
Nhận biết các dấu hiệu của bệnh
Triệu chứng bệnh thường khá đơn giản, chủ yếu dựa vào dấu hiệu đau ở một số vị trí tổn thương đặc hiệu. Đau từng lúc hoặc liên tục cả ngày và đêm, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi; đau có thể lan dọc lên phía trên hoặc dưới của gân. Ấn tại chỗ thường có điểm đau chói. Ít khi có biểu hiện sưng, nóng, đỏ. Khi làm một số nghiệm pháp co giãn cơ và gân nơi tổn thương bệnh nhân thấy đau tăng lên. Triệu chứng toàn thân tuỳ thuộc căn nguyên, nhìn chung thường bình thường. Các xét nghiệm máu không có thay đổi gì đặc biệt trừ khi có bệnh lý toàn thân phối hợp. Chụp X quang nơi tổn thương chủ yếu giúp phân biệt với các bệnh kèm theo có tổn thương tại khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp, viêm cột sống dính khớp…Trên X quang có thể phát hiện hình ảnh calci hoá ở đầu gân. Siêu âm gân cơ, chụp cộng hưởng từ có giá trị trong chẩn đoán xác định ở những trường hợp viêm gân, bao gân không điển hình, nhất là ở các vị trí có nhiều gân cơ như vai, khớp háng, khớp gối, cổ chân.
Nguyên nhân của bệnh
Nguyên nhân gây bệnh phần mềm quanh khớp thường khó xác định, tuy nhiên người ta thấy có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như chấn thương hoặc các vi chấn thương do các hoạt động lặp đi lặp lại kéo dài ở một số ngành nghề như vận động viên chơi thể thao (chơi tennis), nội trợ, bế trẻ em, làm nghề thủ công, thợ cơ khí, đi giầy dép cao gót… Tuổi cao, giới nữ cũng là một trong các yếu tố nguy cơ cao. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những người mắc các bệnh lý toàn thân như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, đái tháo đường…
Chẩn đoán bệnh viêm điểm bám gân
* Thể viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Lồi cầu ngoài xương cánh tay là nơi bám của gân các cơ duỗi cổ tay quay, cơ duỗi chung các ngón, cơ duỗi ngón út, cơ khuỷu. Khoảng 40-50% người chơi quần vợt bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, vì vậy bệnh này còn có tên là “Khuỷu tay đau do chơi tenis” (Tennis’ elbow).
Triệu chứng: đau khu trú ở vùng mặt ngoài khuỷu tay, có khi đau lan lên trên cánh tay và xuống dưới cẳng tay; đau có thể tăng vào buổi chiều tối. Đau tăng khi làm các động tác xoay cẳng tay, gấp duỗi ngón tay, nắm chặt tay. Khám ít khi thấy sưng, nóng, đỏ; ấn vào lồi cầu ngoài đau tăng lên hoặc đau chói. Khám cơ lực nắm tay hai bên có thể thấy giảm sức nắm bên tổn thương. Vận động khớp khuỷu tay bình thường.
* Thể viêm gân gấp ngón tay
Bệnh nhân đau ở gốc ngón tay (thường ở ngón tay cái) và khó cử động ngón. Triệu chứng đau nặng hơn vào buổi sáng và cải thiện hơn vào ban ngày. Khi vận động nắm bàn tay vào thì dễ hơn, còn khi duỗi ngón tay ra bệnh nhân thấy khó khăn và có cảm giác thấy tiếng “bật” ở gân, ngón tay tổn thương bật như lò xo, vì vậy bệnh còn gọi là ngón tay lò xo. Khám ở gốc ngón tay, sờ dọc theo gân gấp thấy một cục xơ cứng, di động khi gấp duỗi ngón tay, ấn tại chỗ đau. Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gập vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.
* Thể viêm bao gân DeQuervains hay viêm mỏm trâm quay
Viêm bao gân (hay hội chứng) De Quervains: bình thường cơ giạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt dễ dàng trong bao gân trong đường hầm cổ tay. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng gây chèn ép lẫn nhau dẫn đến đau và hạn chế vận động ngón cái. Đây là bệnh thường gặp nhất trong nhóm bệnh viêm gân vùng cổ tay và bàn tay.
Triệu chứng: thường gặp ở nữ, tuổi 30 đến 50 tuổi, ở những người hay phải bế trẻ em. Bệnh nhân có biểu hiện sưng đau vùng mỏm trâm quay, đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục nhất là về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay. Sờ thấy bao gân dày lên, có khi có nóng, đỏ, ấn vào đau hơn. Trường hợp chỉ đau tại chỗ mỏm trâm quay, ấn tại chỗ đau và không lan thì là thể viêm mỏm trâm quay đơn thuần.
Điều trị bệnh viêm phần mềm quanh khớp khuỷu
Điều trị bệnh lý phần mềm quanh khớp bao gồm các biện pháp không dùng thuốc, các biện pháp dùng thuốc.
* Các biện pháp không dùng thuốc
– Giảm hoặc ngừng vận động tại vùng gân tổn thương tới khi hết đau. Đây là điều kiện quan trọng bởi nếu không bệnh sẽ tồn tại dai dẳng và dù có khỏi cũng rất dễ tái phát. Ví dụ nếu bệnh nhân chơi cầu lông hay tennis gây viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thì phải nghỉ chơi ít nhất là trong thời gian đang đau.
– Cố định tạm thời vùng gân tổn thương bằng băng chun, thậm chí dùng nẹp hoặc máng bột, dụng cụ chỉnh hình…
– Điều trị vật lý trị liệu từ đơn giản như chườm lạnh tại chỗ (thường dùng trong giai đoạn cấp tính có sưng, nóng, đỏ) đến các biện pháp đòi hỏi có phương tiện như sóng siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại.
* Các biện pháp dùng thuốc
Các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol uống, hoặc các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như diclofenac uống hay bôi tại chỗ, meloxicam uống… Tuyệt đối không dùng thuốc chứa steroid uống hay tiêm bắp như prednisolon, dexamethason, -cort…vì gây nhiều tác dụng phụ có hại. Hiện nay có một số người lạm dụng các thuốc trên dẫn đến các biến chứng như hội chứng Cushing do thuốc, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, teo cơ, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn… hoặc suy thượng thận cấp nếu dừng thuốc đột ngột (có thể gây tử vong nhanh chóng).
Tiêm corticoid tại chỗ là phương pháp điều trị thông dụng trong bệnh lý phần mềm quanh khớp. Hiệu quả giảm đau tốt, tuy nhiên cần nhấn mạnh là chỉ dùng thuốc khi có bác sĩ chuyên khoa Khớp chỉ định, tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng liệu trình, tại nơi vô khuẩn tuyệt đối. Hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc. Các chế phẩm corticoid tiêm khớp thường dùng là dạng dịch treo như hydrocortison acetat, liều tuỳ vị trí tiêm, không quá 3 lần cho mỗi đợt điều trị, mỗi mũi cách nhau 3- 4 ngày; Depo Medrol (methylprednisolon acetat) tác dụng kéo dài hơn, mỗi mũi cách nhau 7-10 ngày, không quá 2 lần trong một đợt. Với cả hai thuốc trên, mỗi đợt điều trị cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt. Ngoài ra có thể dùng Diprospan (betamethasone dipropioate) là loại tác dụng kéo dài hơn cả Depo Medrol. Tuyệt đối không được tiêm corticoid tại chỗ khi có nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc gần vị trí tiêm. Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, đang dùng thuốc chống đông hay có rối loạn đông máu. Các khó chịu hay biến chứng tại chỗ có thể gặp như đau tăng lên (thường trong 24 giờ đầu), nhiễm khuẩn (nếu tiêm trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn), đứt gân, rối loạn sắc tố hay teo da – cơ tại chỗ.
Các điều trị khác bao gồm phẫu thuật cắt bỏ phần viêm, xơ… nếu điều trị nội khoa thất bại (ít khi có chỉ định) và cần điều trị tốt các bệnh chính kèm theo (nếu có).
Tiên lượng bệnh lành tính, nhìn chung đa số bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị nội khoa song tỷ lệ tái phát còn cao, nhất là đối với các bệnh nhân không loại bỏ được các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Cách phòng chống
Tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt, lao động hợp lý: vừa sức, tăng dần, không gắng sức quá hoặc làm các động tác đột ngột.
Trả lời