Tác hại của chứng táo bón ở người già
Táo bón là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là vào thời điểm lễ Tết như Tết Nguyên Đán vừa qua khi chế độ ăn uống thất thường.
Táo bón khiến người cao tuổi khó khăn trong sinh hoạt, sợ ăn uống, dẫn đến sút cân và giảm sức khỏe.
Nguy cơ biến chứng tim mạch
Theo ThS.BS đa khoa Hà Ngọc Hưng (BV Nông Nghiệp Hà Nội) thì táo bón là bệnh rất phổ biến ở người trên 65 tuổi. Có đến hơn 30% người già nhận cho biết bị táo bón và một nửa trong số đó phải đến bệnh viện khám chữa. Đây là tình trạng đi cầu phân cứng, ít hơn 3 lần mỗi tuần. Ở người bình thường, sau khi thức ăn vào dạ dày, dạ dày sẽ tiết dịch và co bóp, nghiền nát sau đó đẩy xuống ruột non.
Lúc này, ruột non sẽ làm chức năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn và tiếp tục đẩy những cặn bã xuống ruột già. Ruột già tiếp tục hấp thu thêm những chất dinh dưỡng còn sót lại và tạo phân, đóng khuôn. Nếu theo sự nhịp nhàng của cơ thể, khối phân ở ruột già sẽ được co bóp và đẩy ra ngoài. Khi di chuyển trong dạ dày, lượng nước sẽ được hấp thu qua thành ruột, khi xuống đến hậu môn sẽ còn một lượng nước vừa đủ để tạo thành khuôn khiến phân mềm và dễ dàng thải ra ngoài.
Tuy nhiên, ở những người cao tuổi, khối phân di chuyển quá chậm trong thành ruột già khiến thành ruột hấp thu quá nhiều nước, đến khi xuống đến hậu môn, phân trở nên cứng và khó có thể đẩy ra ngoài. Đặc biệt, khi người già đau ốm, mệt mỏi, căng thẳng thì tình trạng này càng diễn ra chậm hơn.
Ngoài ra, nhiều người bị táo bón là do sử dụng các thuốc có chất tanmin, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày có chứa nhôm hay lạm dụng một số thuốc có tác dụng nhuận tràng gây nên những tác dụng phụ không như mong muốn. Những yếu tố này làm chất bã trở nên khô vì nước được ruột hút lại, giảm áp lực trong lòng ruột, trì hoãn sự lưu thông chất bã.
Theo y học cổ truyền, táo bón do âm hư, huyết nhiệt, thiếu máu làm tân dịch khô giảm; hoặc người già yếu, phụ nữ sinh nhiều lần, cơ nhục suy yếu làm bài tiết phân khó khăn; hoặc người vốn dương hư, khí vận hành không thông suốt nên tân dịch không lưu thông hoặc do kiết lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa gây táo bón hoặc lo nghĩ nhiều hại phế khí.
Sau đây bài thuốc trị táo bón ở người già của Hải Thượng Lãn Ông: Hoàng kỳ 20g, trần bì (bỏ xơ) 20g. Hai vị tán nhỏ, lấy vừng đen 1 vốc nghiền nát, đổ nước nấu sôi cho vào 1 thìa mật ong, đun lại cho sôi rồi hòa với nước trên cho uống khi đói.
Suy giảm chức năng sinh lý cũng là một yếu tố gây táo bón ở người. Tuổi càng cao thì chức năng sinh lý càng bị giảm sút khiến cơ hoành, cơ vùng xương chậu yếu giảm đi sự nhanh nhạy của nhu động của ruột. Hơn nữa, các dịch bài tiết của đường ruột cũng giảm đáng kể như dịch vị, dịch mật, dịch ruột.
Ngoài ra, người già ở nước ta ít có chế độ ăn uống riêng, không được lựa chọn thực phẩm, thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, ăn mặn và thức ăn nhiều đạm, đồng thời lại ăn ít chất xơ, rau, quả. Hoặc một số người cao tuổi thích ăn nhiều chất cay, nóng (ớt, hành, hồ tiêu), uống nhiều rượu, bia và lượng nước đưa vào trong cơ thể hàng ngày không đủ sự cần thiết để tiêu hóa thức ăn…
Theo bác sĩ đa khoa Hà Ngọc Hưng, người cao tuổi thường hay mặc cảm nên ít khi chia sẻ với con cái việc mình tiêu hóa ra sao nên thường hay giấu bệnh. Tuy nhiên, táo bón có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Táo bón khiến người bệnh đau đớn khi đi ngoài, nứt kẽ hậu môn do mạnh, gây rách lớp niêm mạc ống hậu môn trực tràng khiến đi ngoài ra máu.
Người bệnh sợ ăn uống, kém ngủ, gây mệt mỏi, tình trạng này càng khiến người cao tuổi suy giảm sức khỏe, mất sức đề kháng. Lâu dần, người già sợ ăn, luôn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu và mỗi lần đi ngoài đều bị ám ảnh.
“Khi bệnh nhân mắc chứng táo bón kéo dài, đa số sẽ gây ra bệnh trĩ do hiện tượng tăng áp lực ổ bụng khi gắng sức rặn đi ngoài làm cho các búi trĩ càng ngày càng to ra, mỗi lần đi ngoài thường có máu kèm theo phân. Khối phân luôn gây sang chấn, gây viêm vùng niêm mạc trực tràng, ống hậu môn. Tăng nguy cơ gây viêm nhiễm, abces hậu môn – trực tràng, rò hậu môn…
Nhiều người do phân ứ đọng lâu trong trực tràng khiến vi khuẩn có hại xâm nhập, phát triển và sinh ra các chất có hại, ngấm vào máu khiến nhiễm độc mạn tính. Bệnh khiến người cao tuổi khó chịu, bực bội, chán ăn, lâu ngày dẫn đến thiếu máu, da xanh, mệt mỏi, sức khỏe kém. Đặc biệt, bệnh gia tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp, lên cơn đau tim.
Người cao tuổi bị bệnh tim mạch, xơ gan cổ chướng, các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… bị táo bón sẽ rất nguy hiểm vì khi đi cầu phải rặn nhiều, tăng áp lực máu, tăng nguy cơ tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não, tăng nguy cơ lên cơn khó thở, cơn hen…”, bác sĩ Hưng cho hay.
Phòng và điều trị bệnh táo bón
Táo bón kéo dài ở người cao tuổi thường dẫn đến bệnh trĩ, gây khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh. Đây là chứng bệnh khiến người cao tuổi khó chịu dẫn đến kém ăn, giảm cân, sức khỏe yếu. Khi có biểu hiện táo bón kéo dài, người già nên đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, khám chữa và tư vấn về chế độ ăn uống phù hợp.
Theo BS Hưng, ở người cao tuổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý có một vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh táo bón. Người già nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước. Những người già mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, béo phì, xơ vữa động mạch… nên đi bộ thể dục nhẹ nhàng, cần tạo thói quen đi đại tiện mỗi ngày vào sáng sớm.
BS Hưng cho biết, các thực phẩm có tính nhuận tràng là mồng tơi, rau khoai lang, rau dền, rau đay… và các loại quả như cam, quýt, bưởi, xoài, đu đủ chín, dưa chuột, mướp đắng, mướp… Chuối chín hoặc củ khoai lang cũng giúp phòng táo bón rất tốt.
Mỗi tuần, người cao tuổi nên ăn từ 2 – 3 bữa cá thay cho thịt, không những phòng bệnh tim mạch, tiểu đường mà còn giúp phòng trừ táo bón. Người già tuyệt đối không sử dụng rượu bia, chất kích thích, không ăn chất cay, nóng (ớt, hành, hồ tiêu, mù tạt). Nên vận động nhẹ nhàng, không nên ngồi lâu mỗi lần đi ngoài và cũng không nên ngồi lâu một chỗ.
Ngoài ra, người cao tuổi có thể tham gia vào các câu lạc bộ thể dục, vui – khỏe – có ích… để giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ và hòa đồng. Tham gia vào những chỗ vui chơi này sẽ khiến các cụ ăn ngon, uống nhiều nước, kích thích tiêu hóa và phòng ngừa nhiều bệnh tật. Sự vận động thân thể thường xuyên sẽ giúp gia tăng nhu động ruột và gia tăng trương lực cơ, giúp cải thiện hoạt động ở ruột già.
Cách vận động đơn giản nhất là đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, từ chậm đến nhanh dần tùy theo điều kiện sức khỏe của mỗi người. Hơn nữa, người cao tuổi nên thường xoa bóp, dùng 2 bàn tay xoa chậm xoay tròn xung quanh vùng rốn để vừa có tác dụng kích thích tiêu hóa ở dạ dày vừa gia tăng nhu động ruột ở vùng ruột già. Mỗi ngày nên thực hành 2 lần, mỗi lần xoa từ 5 – 10 phút.
Theo BS Hà Ngọc Hưng, uống nhiều nước chính là yếu tố quan trọng nhất giúp người cao tuổi phòng bệnh táo bón, nước giúp nuôi dưỡng các cơ quan, là dung môi hòa tan các chất trong cơ thể làm ổn định thân nhiệt, tăng cường hấp thu dưỡng chất ở người cao tuổi. Uống đủ nước giúp bài trừ nhanh chóng các chất cặn bã qua các hệ tiêu hóa, hô hấp, da và tránh cơ thể bị tổn thương do chấn thương.
Khi cơ thể đủ nước, các bộ phận trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng, giảm đi các bệnh tật về tim mạch, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim; tham gia sản xuất các chất nội tiết tố, chất dẫn truyền thần kinh…
“Người cao tuổi nên ăn ít các loại thực phẩm ngọt như bánh ngọt, bánh xốp, bánh nướng hay kẹo và tất cả các chế phẩm từ đường. Những loại đồ ngọt này có thể tăng nguy cơ gây chứng táo bón mãn tính ở người cao tuổi. Đồng thời, không sử dụng nhiều các loại thức uống chứa cafein như cà phê, socola và trà đen vì dễ gây táo bón.
Trường hợp hấp thu quá nhiều lượng cafein cho phép trong cơ thể có thể dẫn đến các triệu chứng như tăng huyết áp, thở gấp và mất ngủ và tăng áp nhãn cầu. Uống đủ 1,5 lít nước và nên uống nước ấm để phòng trừ táo bón”, BS Hưng cho biết.
Theo Gia đình và Xã hội
Trả lời