Nổi nhiều gân ở chân là dấu hiệu của suy tĩnh mạch
Chị Bình, 34 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty tại Hà Nội thấy bắp chân tự nhiên nổi gân xanh chằng chịt khiến chị ngại, không dám mặc váy đi làm.
Gần đây chân còn có biểu hiện căng tức, mỏi và phù nề quanh mắt cá chân.
Dân văn phòng ngồi nhiều, ít vận động dễ bị suy tĩnh mạch chân. Ảnh minh họa: 123Rf.
Mới đầu thấy mạch máu ở chân nổi lên không khác gì mạng nhện, chị Bình nghĩ một vài ngày là khỏi, có thể tại người đang mệt mỏi nên mới như thế. Thế nhưng mãi chị không thấy mạch máu lặn, cứ nhằng nhịt ở bắp chân. Không những thế, chị hay bị mỏi, nặng chân, nhiều lúc phải gác lên mới dễ chịu.
“Không chịu được, tôi đi khám thì bác sĩ bảo bị suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh cảnh chưa quá nặng chỉ cần uống thuốc, tuy nhiên vẫn phải theo dõi tiếp nếu không đỡ thì sẽ phải phẫu thuật. Chỉ ngại giờ chả dám tung tẩy mặc váy nữa, sợ có ai nhìn thấy lại phát khiếp”, chị Bình buồn bã nói.
ThS.BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương cho biết, suy tĩnh mạch chân là một bệnh khá phổ biến, ước tính có khoảng 1/3 dân số Việt Nam mắc bệnh này. Tại bệnh viện, mỗi tuần cũng có hơn 30 bệnh nhân tới khám và điều trị, chủ yếu là nữ giới từ 35 tuổi trở lên.
“Bệnh thường liên quan đến các yếu tố như tuổi (tần suất suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi), béo phì, di truyền, giới tính (nữ mắc nhiều hơn nam), công việc càng đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh… Điều đáng lưu ý là có khá nhiều bệnh nhân nhầm bệnh này với bệnh loãng xương”, ThS Trung Anh nói.
Theo bác sĩ, mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân… và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu).
Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.
BS Trung Anh cũng cho biết, tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy…
Trước đây, hầu hết bệnh nhân bị suy tĩnh mạch từ cấp độ 2 đến 6 thường được chỉ định phẫu thuật rút bỏ các tĩnh mạch giãn. Phương pháp này đòi hỏi phải gây tê tích cực, bệnh nhân phải nằm viện, để lại sẹo. Tuy nhiên, một năm gần đây, BV Lão khoa đã áp dụng cách điều trị bằng laser nội tĩnh mạch. Nguyên tắc là dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm xơ teo tĩnh mạch bị giãn.
Tại miền Bắc, BV Lão khoa Trung ương là bệnh viên công đầu tiên áp dụng thủ thuật này. Ưu điểm là bệnh nhân hồi phục nhanh, sau thủ thuật có thể xuất hiện ngay và đi lại bình thường.
“Đến nay đã có khoảng trên 50 bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này. Sau 6 tháng, toàn bộ tĩnh mạch được đốt bằng laser đã teo hết hoặc chỉ nhỏ như sợi xơ mướp. Bệnh nhân hết mọi triệu chứng khó chịu từng gặp trước khi điều trị. Tuy nhiên, chi phí điều trị khá đắt khoảng hơn 1.000 USD mỗi ca”, BS Trung Anh cho biết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thấy ở bắp chân có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, đau nhức hoặc bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân… thì người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Với những bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép thì cần duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, đi bộ hằng ngày, chú ý giữ cân nặng cơ thể hợp lý, bỏ thuốc lá… Đồng thời tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch giãn nở thêm, chân có thể bị sưng to, gây đau nhức thêm.
Theo alobacsi
Trả lời