Rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng
Rối loạn tiền đình là chứng bệnh ngày càng phổ biến và tỷ lệ người mắc có xu hướng gia tăng, từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Một nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ở Mỹ ước tính 35% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn rối loạn tiền đình. Cũng tại Mỹ, Viện Quốc gia về chứng điếc và rối loạn giao tiếp khác (NIDCD) báo cáo, 80% những người từ 65 tuổi trở lên thường bị chóng mặt, trong đó chóng mặt do rối loạn tiền đình chiếm khoảng 50%.
Rối loạn tiền đình không phải là bệnh lý mà là một hội chứng, gây nên bởi các tổn thương hệ thần kinh, tai, tim mạch, mắt, tâm thần và một số trường hợp lại là do thuốc tây. Chẩn đoán rối loạn tiền đình khó chỉ ra được vị trí tổn thương và nguyên nhân gây nên nó.
Để có được câu trả lời cụ thể, người bệnh cần khám chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Đôi khi, để chẩn đoán được chính xác, bác sĩ còn phải làm các xét nghiệm hình ảnh học như chụp X quang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh là do virus gây viêm thần kinh sọ não số 8, thoái hóa một trong các cơ quan của hệ tiền đình, viêm tai giữa, chấn thương mê lộ, nghẽn tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống…
Theo nghiên cứu, nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình như thường xuyên sống trong môi trường quá ồn, thời tiết khó chịu khi chuyển mùa, ăn phải thức ăn bị nhiễm độc…
Một thực tế cho thấy rối loạn tiền đình rất dễ xảy ra ở những người làm việc trong môi trường văn phòng, như dân công sở, học sinh, sinh viên.
Nhân viên công sở thường ít vận động, ngồi nhiều trong văn phòng lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi vùng não bộ gây ra bệnh rối loạn tiền đình. Một tỷ lệ lớn phụ nữ mắc chứng rối loạn tiền đình ở độ tuổi tiền mãn kinh.
Ngoài ra những người thường xuyên chịu căng thẳng về đầu óc, giới tính cũng là những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao.
Triệu chứng
Chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn hoặc năng hơn là mất thăng bằng là những biểu hiện dễ nhận thấy của rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, triệu chứng bệnh được chia làm 4 nhóm với những vị trí tổn thương khác nhau:
Chóng mặt. Ảo giác về sự di chuyển của môi trường xung quanh hoặc bản thân, thường là cảm giác xoay tròn hoặc bập bềnh. Các triệu chứng kèm theo là buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, mất cân bằng, nhìn mờ. Nguyên nhân là do tổn thương ở dây thần kinh ngoại biên hoặc trung ương của hệ thống tiền đình.
Ngất. Cảm giác đe dọa mất ý thức hoặc ngất, kèm theo đổ mồ hôi, buồn nôn, nhìn mờ hai mắt thoáng qua. Nguyên nhân là do tưới máu não giảm, gặp trong trường hợp bị tụt huyết áp, rối loạn chức năng tim hoặc phản xạ thực vật.
Mất thăng bằng. Cảm giác không cân bằng, không vững hoặc như say rượu. Nguyên nhân do mất đồng bộ giữa các thông tin từ tiền đình, tiểu não, cảm giác sâu, mắt, ngoại tháp.
Chóng mặt không xác định rõ. Cảm giác đầu lâng lâng, nặng hoặc sợ ngã (khác với các cảm giác mô tả ở ba phần trên). Triệu chứng này xuất hiện ở những bệnh nhân có các rối loạn cảm xúc khác như hội chứng tăng thông khí, lo âu, trầm cảm.
Các dạng chóng mặt đều có thể đẩy người bệnh vào trạng thái lo âu và ngược lại, sự lo âu cũng gây ra chóng mặt.
Các phương pháp điều trị cho rối loạn tiền đình phụ thuộc vào triệu chứng, bệnh sử và sức khỏe bệnh nhân.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, trường hợp nặng có thể phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa.
Một số động tác với đầu và cổ sau đây, nếu thực hiện mỗi ngày có thể loại trừ nguy cơ gây rối loạn tiền đình:
Ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10 – 15 lần).
Nằm ngửa, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, vặn cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu rắc rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).
Hai bàn tay miết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).
Tập thể dục như bình thường, vừa sức nhưng phải làm được 3 động tác cơ bản: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8 – 10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.
Bên cạnh việc tập thể dục đều đặn, người đã có bệnh cần điều chỉnh các thói quen, lối sống: để đèn ngủ sáng, không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi làm việc với máy tính, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất liệu hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích, tránh thay đổi tư thế đột ngột, không lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh, giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt, tránh leo trèo cao, không đọc sách báo khi đang di chuyển, ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Trả lời