26 tác dụng chữa bệnh tuyệt vời từ quả Bưởi
Bưởi là loại quả phổ biến được nhiều người yêu thích. Không những vậy vỏ, hạt và hoa bưởi,…còn được xem là vị thuốc dân gian dùng để chữa bệnh trong đông y.
Bưởi là gì?
Có tên khoa học là Citrus grandis L. và là loại quả thuộc họ cam chanh (Rutaceae), tên tiếng Anh là pomelo.
Mô tả
Cây bưởi là loại cây to, thuộc thân cây gỗ, có chiều cao khoảng 3-4m. Thân cây có màu vàng nhạt, ở những kẽ nứt đôi khi có nhựa chảy ra, có phân cành. Cành có nhiều gai dài. Lá rộng hình trái xoan có gân nổi, mép nguyên, phiến lá hình trứng, dài 10-12cm, rộng 5-6cm, dai, hai đầu tù. Cuống lá có dìa.
Hoa kép, mọc thành chùm có màu trắng và mùi thơm dễ chịu. Quả hình cầu to, vỏ dày, bên trong ruột chia thành nhiều múi, màu sắc quả tùy vào loại giống. Hạt màu trắng vàng, mỗi múi có khoảng từ 2-5 hạt.
Phân bố và thu hái
Bưởi có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Ở Việt Nam, bưởi rất đa dạng giống và ở mỗi tỉnh khác nhau bưởi lại có tên gọi khác nhau. Như bưởi Diễn được trồng nhiều ở khu vực Cầu Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai,…, bưởi Phúc Trạch, bưởi đường Hương Sơn ở Hà Tĩnh, bưởi Tân Triều ở Đồng Nai (Biên Hòa), bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Cần Thơ, bưởi Da Xanh ở Bến Tre,…
Thu hái: Bưởi được hái xuống khi quả bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt và có mùi thơm. Thời điểm thu hoạch thường từ tháng 7 âm lịch. Bộ phận sử dụng: hoa, quả và lá.
Thành phần hóa học
Trong múi bưởi có chứa: 89% nước, 9,3% đường, 0,5% protein, 0,4% lipid, các vitamin B1, B2, B3, B6, vitamin C, cùng một số khoáng chất như sắt, magie, kẽm, kali, natri, photpho,…
Vỏ bưởi có chứa tinh dầu (0,15%), la chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm, có thành phần chính là limonene (41,45 – 84,62%) và myrcen (8,28 – 50,66%).
Theo đông y, vỏ quả bưởi có vị đắng cay, tính không độc có tác dụng trừ phong, hóa đờm, giảm đau. Lá bưởi có vị đắng cay, tính ấm, có mùi thơm có tác dụng trừ hàn, giải cảm, hoạt huyết, tiêu sưng và có khả năng sát khuẩn.
Tác dụng chữa bệnh và một số bài thuốc từ bưởi
1. Chữa cảm cúm, cảm lạnh, ngạt mũi, không ra mồ hôi: Lấy 100g lá bưởi tươi, 50g lá sả, 100g lá cúc tần, 20g lá tre, 20g lá hương nhu cho vào nồi đun sôi, trùm chăn kín xông cho ra mồ hôi. Sau đó dùng khăn lau khô mồ hôi, tránh tiếp xúc với gió. Không dùng cho người bệnh ra mồ hôi nhiều.
2. Chữa đau đầu:
Bài thuốc 1: Lấy 500g múi bưởi thái nhỏ rồi ướp với đường trắng để qua đêm, hôm sau cho lên chưng cách thủy, cho thêm mật ong quấy đều. Để hỗn hợp nguội rồi cho vào bình kín dùng dần. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần khoảng 3ml.
Bài thuốc 2: Lấy 2 củ hành giã nát cho vào 2 lá bưởi, rồi dùng băng dính dán cố định lên 2 thái dương.
3. Chữa mẩn ngứa do lạnh: Cho 50g vỏ bưởi đun nước, lấy nước ngâm, mỗi ngày vài lần.
4. Chữa hôi miệng, giải rượu: Lấy 100g tép (cơm) bưởi nhai rồi nuốt dần dần. Hoặc dùng 1 quả bưởi ép lấy nước, 10g vỏ quýt, 6g gừng tươi, thêm vừa đủ lượng đường đen rồi đun sôi lên, ngày uống 1 thang, dùng liên tục trong 5 ngày.
5. Trị đau xương khớp, sưng đau do bị ngã: Lấy 250g vỏ bưởi tươi băm nhuyễn cùng 30g gừng tươi, rồi đắp tại chỗ đau, thay 1 lần trong ngày.
6. Chữa đầy bụng, ăn không tiêu: Lấy 12g vỏ bưởi thái nhỏ sao vàng, 12g vỏ quýt sao vàng, 3 lát gừng tươi, cho vào đun cùng với 300ml nước cho đến khi còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, uống khi còn ấm.
7. Nước dãi trào ngược, rối loạn tiêu hóa
Bài thuốc 1: Lấy 60g tép bưởi (cơm) bưởi ăn hết trong 1 lần, ngày 3 lần.
Bài thuốc 2: Bưởi ép lấy nước, mỗi lần uống 50ml, ngày 3 lần. Liệu trình 5 ngày.
Bài thuốc 3: Bưởi ép lấy nước, thêm 500ml mật ong, 100g đường phèn, 10ml nước ép gừng tươi, nấu thành cao, để nguội, cất trong bình kín dùng dần. Mỗi ngày dùng 15ml, ngày 2 lần. Liệu trình 5 ngày.
8. Chữa ho nhiều, có đờm
Bài thuốc 1: Lấy 100g tép bưởi, 30ml mật ong, 15ml rượu trắng, đem chưng cách thủy cho chín nhừ , mồi ngày ăn 1 lần.
Bài thuốc 2: Lấy tép bưởi cắt nhuyễn cho vào bình rượu ngâm qua đêm, sau đó nấu nhừ. Thêm mật ong quấy đều, ngậm nuốt thường xuyên.
9. Tuần hoàn khí huyết, chữa đau dạ dày: Lấy 5g hoa bưởi, 1 ít đường phèn, đun trong 200ml nước, sau khi sôi trong 5 phút cho thêm đường vào đun tiếp. Để nguội chia uống trong ngày.
10. Chữa bong gân, sưng khớp do lạnh: Lấy 1 nắm lá bưởi, nướng chín, sau đó lấy lá nắn và xoa bóp lên chỗ đau. Hoặc nấu nước xông và ngâm.
11. Trị ho ở người già: Cho 300g cùi bưởi và 50g phèn chua vào 500ml nước, đun lấy nước uống mỗi ngày.
12. Làm đẹp da: Lấy khoảng 3 vỏ quả bưởi, cho vào nồi thủy tinh , đổ dầu oliu vào nồi ngập vỏ bưởi, đun lửa nhỏ, khi dầu ấm đổ thêm nước. Đun trong 4-5 giờ, bỏ bã loc lấy dầu, để nguội và bảo quản trong lọ thủy tinh đậy kín, tránh ánh nắng, dùng trong 6 tháng.
13. Chăm sóc tóc: Dùng tinh dầu vỏ bưởi xoa lên tóc hoặc lấy nước đun vỏ bưởi gội đầu, sẽ giúp tóc nhanh mọc, bóng, mượt và mềm mại.
14. Giảm mỡ máu và gan nhiễm mỡ: Lấy bưởi non thái mỏng, đem phơi khô sau đó sao vàng. Mỗi ngày dùng 30-50g cho vào 500ml nước, sắc kỹ, lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.
15. Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: Lấy 100g hạt bưởi rửa sạch, cho vào cốc thủy tinh và đổ vào 200ml nước sôi, ngâm trong 4-5 tiếng. Chất nhày được tiết ra từ hạt bưởi làm cho cốc nước có độ keo sệt. Lọc bỏ hạt lấy nước. Mỗi ngày uống 1 lần sau bữa ăn 2 giờ.
16. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường tuýp 2: Lấy hạt bưởi cho vào cốc thủy tinh ngâm trong nước sôi cho ra nước nhầy, gạn lấy nước bỏ hạt. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50ml, uống trước bữa ăn 10 phút.
17. Chữa hen suyễn: Lấy 150g vỏ bưởi, 30g bách hợp, 20g hành khô, thêm đường trắng vào sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình 10 ngày.
18. Chữa chướng bụng buồn nôn: Bưởi 1 quả ép lấy nước, 9g trần bì, 6g gừng tươi, thêm đường đỏ đun sôi kỹ, lấy nước uống trong ngày.
19. Chữa ho khan: Lấy vỏ bưởi phơi khô, tán thành bột, đun nóng với ngư tinh, mỗi lần uống 3-6g, chia 4 lần uống trong ngày.
20. Chữa phù thũng: Lấy 20g vỏ bưởi đào, 20g bồ hóng, 20g bồ thông, 12g diêm tiêu, 8g cỏ bấc, đem tất cả sắc lấy nước. Uống 2 lân một ngày khi đói, kiêng muối và đồ mặn.
21. Ngứa họng, ho có đờm loãng màu trắng: lấy 10g tép bưởi đào thêm đường, ép lấy nước uống trong ngày.
22. Giảm cân: Hàm lượng vitamin C và chứa nhiều chất xơ, nên ăn hoặc uống nước ép từ bưởi kết hợp chế độ ăn khoa học, sẽ nhanh chóng giảm được số cân như mong muốn.
23. Chữa thoát vị bẹn, sa đì: Lấy 15g hạt bưởi, băm nhuyễn rồi đun lấy nước chia uống ngày 2 lần.
24. Thai phụ ốm nghén
Bài thuốc 1: Lấy 15g vỏ bưởi, cho vào 300ml nước, đun sôi kỹ cho đến khi còn 150ml. Chia 3 lần uống trước ăn 20 phút. Dùng trong 3-5 ngày.
Bài thuốc 2: Lấy 5-8 quả bưởi ép lấy nước, cho thêm 100g đường, 500ml mật ong và 10ml nước ép gừng tươi, đun thành dạng sệt cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần pha 1 thìa canh với nước sôi để nguội, chia uống 2 lần trong ngày.
25. Chữa áp xe vú:Lấy 10 lá bưởi, 30g vỏ bưởi xanh, 30g bồ công anh, đem sắc lấy nước uống trong ngày.
26. Chữa đau dạ dày: Lấy 5g hoa tươi đun trong 200ml nước, sau đó thêm ít đường phèn cho sôi lại, nước uống thay trà.
Lưu ý
– Không ăn bưởi khi quá đói vì bưởi chua có nhiều axit, không tốt cho dạ dày. Do bưởi có tính lạnh nên những người đang bị tiêu chảy, có hệ tiêu hóa kém không nên ăn.
– Bưởi làm giảm tác dụng và khả năng hấp thụ kháng sinh vào nhu mô ruột, vì vậy, chỉ nên ăn bưởi sau khi uống thuốc kháng sinh được 2 tiếng.
– Nên ăn bưởi nhiều hơn là uống nước ép, do tép bưởi có chứa nhiều chất xơ tự nhiên tốt cho tiêu hóa.
– Trong bưởi có chứa Pyranocoumarin, là chất làm tăng hoạt động của men ruột làm tăng khả năng hấp thụ độc tính từ thuốc lá, rượu bia, vì vậy không nên ăn bưởi sau khi sử dụng các chất kích thích này.
– Cùi bưởi còn được dùng để nấu chè, hoa bưởi còn dùng để ướp trà, vỏ bưởi chế tinh dầu.
Bưởi là vị thuốc nam quý, nhưng mỗi người có cơ địa khác nhau nên hiệu quả dạt được cũng vậy. Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi áp dụng nên hỏi ý kiến và tư vấn của thầy thuốc.
Trả lời