Ai dễ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Sự lão hóa của cơ thể theo độ tuổi hay tính chất công việc với nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng cổ,… là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thoái hóa đốt sống cổ.
Vậy đối tượng nào dễ mắc thoái hóa đốt sống cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người có công việc sử dụng nhiều động tác ở vùng đầu, cổ, đòi hỏi cúi, ngửa nhiều (thợ cắt tóc, thợ sơn trần, diễn viên xiếc, bác sĩ nha khoa…), mang vác nặng (thợ bốc vác,…).
Đồng thời, bệnh cũng là hệ quả tất yếu do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể nên hay gặp ở người cao tuổi. Còn những người làm công việc văn phòng, thường xuyên ngồi trước màn hình máy tính ở một tư thế trong thời gian dài cũng có thể dẫn tới thoái hóa đốt sống cổ.
Bên cạnh đó, những người có người thân từng mắc thoái hóa đốt sống cổ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người thường xuyên hút thuốc lá, phụ nữ sau mãn kinh, người dùng thuốc kháng viêm thuộc nhóm corticoid kéo dài,… có tỷ lệ bị thoái hóa cột sống cổ nhiều hơn người bình thường.
Để nhận biết thoái hóa đốt sống cổ trong giai đoạn đầu là rất khó vì bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Giai đoạn này, người bệnh có cảm giác mỏi vùng cổ-vai rồi đau vùng cổ-gáy.
Cơn đau tăng lên khi vận động, giảm lúc nghỉ ngơi, sau đó lan từ gáy tới tai, cổ, bả vai, cánh tay, gây sai lệch tư thế của cổ (vẹo cổ, sái cổ), nhức đầu, làm hạn chế vận động. Nguy hiểm hơn, những tổn thương do thoái hóa đốt sống cổ khó phục hồi sẽ gây liệt, teo cơ, mất vận động.
Trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ, tùy theo mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp như: vật lý trị liệu hay dùng thuốc. Trong trường hợp điều trị thông thường không còn tác dụng hoặc bệnh nhân bị teo cơ, có triệu chứng chèn ép tủy sống thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Theo Thiên Dũng – Tiền Phong
Trả lời