Bài thuốc trị Viêm gan mạn tính
Viêm gan mạn tính thường xảy ra sau khi mắc các bệnh viêm gan cấp (viêm gan siêu vi, viêm gan nhiễm độc); sau khi mắc bệnh sốt rét hoặc suy dinh dưỡng kéo dài. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là sự giảm sút chức năng gan, thoái hóa tế bào gan và các rối loạn về tiêu hóa, cơn đau vùng gan, vàng da, tiêu chảy hay táo bón, chậm tiêu, chán ăn.
Nguyên nhân theo y học cổ truyền là do công năng của tỳ vị, can bị rối loạn, ảnh hưởng tới âm huyết hoặc tân dịch, từ đó ảnh hưởng tới sự hoạt động của cơ thể. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh:
Thể can nhiệt tỳ thấp: viêm gan có vàng da kéo dài (Đông y gọi là âm hoàng). Người bệnh thường thấy đắng miệng không muốn ăn, bụng đầy trướng, ngực sườn đầy tức, miệng khô nhợt, đau nóng ở vùng gan, da sạm tối. Tiểu tiện ít, vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Phép chữa là thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng, kiện tỳ trừ thấp. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: nhân trần 20g, chi tử 12g, uất kim 8g, ngưu tất 8g, đinh lăng 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 16g, biển đậu 12g, rễ cỏ tranh 12g, sa tiền tử 12g, ngũ gia bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nhân trần ngũ linh tán gia giảm: nhân trần 20g, bạch truật 12g, sa tiền, đẳng sâm 16g, phục linh 12g, trư linh 8g, trạch tả 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm: hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 8g, trư linh 8g, bạch đậu khấu 8g, kim ngân 16g, mộc thông 12g, nhân trần 20g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể can uất tỳ hư, khí trệ: Hay gặp ở viêm gan mạn do viêm gan siêu vi. Người bệnh có biểu hiện mạng sườn phải đau, ngực sườn đau tức, miệng đắng, ăn kém, người mệt mỏi, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền. Phép chữa là sơ can kiện tỳ lý khí. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: rau má 12g, mướp đắng 12g, thanh bì 8g, chỉ thực 8g, uất kim 8g, hậu phác 8g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, biển đậu 12g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Sài hồ sơ can thang gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 8g, chỉ thực 6g, xuyên khung 8g, hậu phác 6g, cam thảo 6g, đương quy 6g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Sài thược lục quân thang: bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g, trần bì 6g, bán hạ 6g, sài hồ 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Tiêu dao tán gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, gừng sống 2g, uất kim 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể can âm bị thương tổn:
Người bệnh có biểu hiện đầu choáng, hồi hộp, ngủ ít, hay mê, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, táo bón, nước tiểu vàng, mạch huyền sác. Phép chữa là tư âm dưỡng can. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: sa sâm 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, thiên môn 8g, kỷ tử 12g, huyết dụ 16g, hoài sơn 16g, ý dĩ 16g, hà thủ ô 12g, tang thầm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nhất quán tiễn gia giảm: sa sâm 12g, sinh địa 12g, nữ trinh tử 12g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Nếu mất ngủ gia toan táo nhân 10g; sốt hâm hấp gia địa cốt bì 12g, thanh hao 8g.
Thể khí trệ huyết ứ: Hay gặp ở thể viêm gan mạn có kèm theo hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ. Người bệnh có biểu hiện sắc mặt tối sạm, môi thâm, lưỡi tím, lách to, người gầy, ăn kém, tuần hoàn bàng hệ ở bụng, đại tiện phân nát, nước tiểu vàng ít, chất lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng dính, mạch huyền sác. Phép chữa la sơ can lý khí hoạt huyết. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: kê huyết đằng 12g, cỏ nhọ nồi 12g, uất kim 8g, tam lăng 8g, nga truật 8g, chỉ xác 8g, sinh địa 12g, mẫu lệ 16g, quy bản 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tứ vật đào hồng gia giảm: bạch thược 12g, đương quy 8g, xuyên khung 12g, đan sâm 12g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, diên hồ sách 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu lách to gia tam lăng 12g, nga truật 12g, mẫu lệ 20g, mai ba ba 20g.
Theo SKDS
Trả lời