Bệnh hóc dị vật đường ăn
Hóc đường ăn là một cấp cứu Tai Mũi Họng thường gặp ở người lớn hơn trẻ em. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Các loại dị vật thường hay gặp là gì?
– Trẻ em: Đồng xu, đồng tiền, các mảnh đồ chơi, pin (đồ điện tử)..
– Người lớn: thức ăn: các loại xương động vật: xương cá, xương gà, xương vịt, xương heo, hạt sapoche. Đặc biệt có thể hóc thuốc còn vỏ bọc, hàm răng giả.
Dấu hiệu hóc đường ăn
– Nuốt khó, nuốt đau
– Chụp phim cổ nghiêng: nếu dị vật cản quang sẽ thấy rất rõ
– Tùy theo tính chất dị vật và tùy theo bệnh nhân đến sớm hay muộn mà dấu hiệu lâm sàng sẽ khác nhau.
– Dị vật tròn, nhẵn (khuy áo, đồng xu) có thể ở lại trong thực quản gây ra triệu chứng nuốt nghẹn hay khó nuốt. Trái lại, những dị vật có khía cạnh sắc nhọn và ô nhiễm như xương gà, xương heo sẽ gây bệnh tích ở thực quản như viêm nhiễm, mưng mủ rất sớm và diễn tiến rất nặng.
BS lấy dị vật ra bằng cách nào?
– Nếu dị vật ở vùng họng: soi bằng đèn và lấy ra ngay.
– Nếu dị vật xuống sâu: soi thực quản bằng ống nội soi để lấy dị vật ra.
– Nếu đến ở giai đoạn muộn đã có mủ ở cạnh cổ. Bác sĩ phẫu thuật mổ cạnh cổ để dẫn lưu túi mủ, đồng thời tìm lấy dị vật ra.
Lời khuyên của bác sĩ
Đối với trẻ nhỏ
– Không cho trẻ chơi các đồng xu, kim băng, huy hiệu, đồ chơi điện tử. Khi thấy trẻ đang chơi mà đột ngột có biểu hiện bất thường như buồn nôn, khó nuốt. Nên nhanh chóng đưa bé đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra.
– Khi bị hóc dị vật nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên chữa bằng phương pháp mê tín dị đoan, chữa mẹo.
– Không được dùng bất kỳ biện pháp gì để đẩy hay lấy dị vật.
– Thức ăn cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi không có răng phải gỡ hết xương vụn.
Đối với người lớn
– Dị vật đa số là xương, vì vậy cần cải tiến cách chế biến thức ăn. Khi ăn cần nhai kỹ, chậm rãi, tránh cười đùa. Nói chuyện khi đang nhai. Lưu ý khi uống thuốc có vỏ bọc.
Theo BV Tai Mũi Họng TPHCM
Trả lời