Bị hen có nên mang thai hay không ?
Để kiểm soát cơn suyễn xảy ra ban đêm, ngoài việc dùng thuốc trị suyễn có tác dụng kéo dài, bệnh nhân cần làm theo các chỉ dẫn sau: Chữa trị dứt điểm bệnh xoang, phòng ngủ phải ấm.
Bị bệnh hen có nên có thai hay không, nếu có thì tiên lượng cho mẹ và thai nhi như thế nào.
– Hen là bệnh có tiềm năng thường xảy ra, nhất là khi phụ nữ có thai. Trong thực tế có khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen. Tuy nhiên, nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho mẹ và thai nhi. Những trường hợp hen không được điều trị hiếm khi gây tử vong, nhưng cũng có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng, như cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén và sinh non. Với thai nhi, những biến chứng có thể gặp khi hen không được điều trị tốt là chậm phát triển trong tử cung, sinh non, con nhẹ cân, và chỉ số Apgar thấp khi sinh (các dấu hiệu khóc, hô hấp, nhịp tim, xanh tím, trương lực cơ ở mức lo ngại).
Có thể kiểm soát được hen bằng các biện pháp y học một cách chu đáo, hoặc tránh những tác nhân gây ra cơn hen đã biết, do đó hen không phải là lý do để tránh có thai. Hầu hết các biện pháp được sử dụng để kiểm soát hen không có hại cho sự phát triển của thai nhi và không liên quan chuyện sẩy thai, hay gây dị tật cho thai nhi. Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn về kết quả của thai nghén, nhưng hầu hết những phụ nữ bị hen và dị ứng có diễn biến tốt khi được thầy thuốc chăm sóc tốt.
Ảnh minh họa
Khi cơn suyễn xảy ra ban đêm, cần phải xử lý như thế nào?
– Cơn suyễn xảy ra ban đêm có thể gây cho bệnh nhân bị kiệt sức vì triệu chứng có thể rất nặng và dĩ nhiên là giấc ngủ bị gián đoạn. Cơn suyễn xảy ra ban đêm là kết quả của sự phối hợp những yếu tố sau: Dị ứng, viêm nhiễm, nhiệt độ khí quản bị giảm thiểu, những phân tiết trong khí quản như bệnh viêm xoang mãn tính, bệnh ngưng thở trong giấc ngủ, những yếu tố tuần hoàn.
Để kiểm soát cơn suyễn xảy ra ban đêm, ngoài việc dùng thuốc trị suyễn có tác dụng kéo dài, bệnh nhân cần làm theo các chỉ dẫn sau: Chữa trị dứt điểm bệnh xoang, phòng ngủ phải ấm. Một vài đề nghị như thay đổi vị trí thân mình khi nằm ngủ, dùng thuốc hoặc một vật dụng để giữ cho cuống họng mở cũng giúp được một phần chứng ngưng thở. Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng nào đó mà bản thân biết là có thể gây nên cơn suyễn. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là vào buổi chiều vì nguy cơ suyễn xảy ra thường gia tăng vào ban đêm.
Cách bà mẹ ứng phó khi trẻ em bị bệnh hen lên cơn hen?
– Ngoài việc cho trẻ mặc ấm, tuân thủ các chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, cần lưu ý tránh cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố kích thích đường hô hấp, như: bụi nhà, bụi lông thú, bụi đường, phấn hoa, xác vi khuẩn… Đặc biệt, không dùng bừa bãi các thuốc đặc trị, bởi hầu hết các thuốc trị bệnh hen đều có rất nhiều tác dụng phụ, nếu dùng sai, dùng quá liều sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Khi lên cơn hen, trẻ thường khó thở (phải cúi gập người, hay phải bám chặt vào thành giường mới thở ra được), nửa đêm khó thở nhiều, gần sáng lại đỡ hơn. Khi bệnh nhân khó thở cần đưa ra chỗ thoáng khí, nơi không khí trong lành. Cho người bệnh uống nhiều nước, hít hơi nước để làm đờm loãng ra, bệnh nhân sẽ dễ thở hơn.
Tốt nhất khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh hen phải đưa ngay đến bác sĩ khám và thực hiện nghiêm khắc phác đồ điều trị đã đề ra. Hiện nay trên thị trường có bán loại lưu lượng kế để đo lưu lượng đỉnh (lượng khí tối đa bệnh nhân có thể thở ra) ở bệnh nhân hen. Những gia đình có con nhỏ mắc bệnh hen nên dùng thiết bị này hằng ngày để dự đoán trước những cơn hen sắp đến.
Nếu dùng thuốc chữa hen thất thường do bận công việc, hoặc lỡ quên, có dẫn đến bệnh hen nặng hơn, hoặc lâu khỏi không?
– Dùng thuốc không đều đặn, không đúng chỉ dẫn, hoặc lạm dụng thuốc trong điều trị bệnh hen là rất nguy hiểm, bởi dễ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều. Bệnh hen nếu không được chữa trị kịp thời dễ chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khả năng chữa trị khó khăn hơn vì chức năng phổi hồi phục không hoàn toàn. Vì thế, với bệnh nhân hen, việc điều trị, nhất là việc dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ, thuốc ngừa cơn được dùng hằng ngày kể cả khi không còn triệu chứng và ít nhất là 3-6 tháng. Không nên ngưng thuốc ngừa cơn đột ngột. Cũng không được dùng kháng sinh để chữa hen, trừ khi có bội nhiễm, tức là hen nhiễm trùng.
Người chồng bị hen thì các con có mắc bệnh này không?
– Những người bị bệnh hen cũng có tính chất di truyền. Những người có cơ địa dị ứng, như: viêm mũi dị ứng, chàm hay phát ban dị ứng… dễ mắc hen hơn bình thường. Phòng tránh bệnh hen, người lớn nên tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản có thể làm khởi phát cơn hen. Giữ gìn sạch sẽ nhà ở. Không nên để gà và các loại vật nuôi khác như chim, chó, mèo trong nhà. Phơi nắng đệm ga, chăn gối thường xuyên.
Bệnh nhân hen nên thường xuyên tập thể dục thể thao, những môn vừa sức để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, từ đó bệnh hen sẽ không có cơ hội phát tác. Khi tập luyện, chú ý tập tăng các động tác liên quan đến hô hấp, tập thở.
Hiện nay, y học hiện đại áp dụng phương pháp mới trong điều trị bệnh hen đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, trong điều trị dự phòng và kiểm soát bệnh thì dùng thuốc chống viêm, hoặc dạng phối hợp thuốc chống viêm và thuốc chống co thắt phế quản – loại có tác dụng kéo dài. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh hen nên cho trẻ đi khám sớm tại khoa Tai – Mũi – Họng ở các bệnh viện.
Theo BS. Lam Giang – Phụ nữ Thủ đô
Trả lời