Các bài thuốc sử dụng quả phật thủ như một phương thuốc quý
Trong các tài liệu y học cổ truyền, quả phật thủ được ghi có vị cay, chua, đắng, tính ấm, vào kinh phế và tỳ có tác dụng hành khí, chỉ thống, kiệ vị, mạnh tỳ, hóa đờm và cầm nôn.
Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, phật thủ thuộc họ cam, ở Trung Quốc còn được gọi là phật thủ cam, phật thủ hương duyên, phước thọ cam hay ngũ chỉ cam. Quả phật thủ có lá noãn rời nhau ở gần gốc, cong và cụp vào trong ở phía trên giống như bàn tay nhiều ngón chụm lại nên được gọi là phật thủ (bàn tay Phật). Quả có vỏ ngoài sần sùi, khi chín màu vàng; ruột trắng xốp và có mùi thơm.
Để làm thuốc, người ta thường thu hái quả vào mùa thu đông khi quả chuyển sang màu vàng, cắt dọc thành từng miếng một rồi phơi hay sấy khô. Trong các tài liệu y học cổ truyền, quả phật thủ được ghi có vị cay, chua, đắng, tính ấm, vào kinh phế và tỳ có tác dụng hành khí, chỉ thống, kiệ vị, mạnh tỳ, hóa đờm và cầm nôn.
Phật thủ thường dùng chữa bụng đầy trướng, đau dạ dày, chán ăn, nôn mửa, ho dai dẳng có nhiều đờm. Liều dùng hàng ngày là từ 3 đến 10g cùi quả khô dạng thuốc sắc hoặc dùng vỏ quả ngâm rượu uống. Để chữa viêm dạ dày mãn tính, đau dây thần kinh vùng bụng, lấy cùi và vỏ quả phật thủ tươi từ 10 đến 15g hoặc khô 6g lát mỏng, ngâm trong nước sôi và uống thay trà. Khi không có quả, có thể dùng hoa, lá, rễ để thay thế.
Ở Ấn Độ, dịch phật thủ được dùng chữa scorbut, chống khát, chống nôn và hạ sốt. Nước cất vỏ quả có tác dụng an thần, chữa nhức đầu, hạt sốt.
Bài thuốc có phật thủ:
– Chữa ho đờm, viêm khí quản mãn tính: Nhai cùi lẫn vỏ phật thủ, nuốt nước. Hoặc phật thủ và bán hạ (chế với gừng) mỗi vị 6g, sắc uống. Có thể thêm đường vào cho dễ uống.
– Chữa đau dạ dày do lạnh: Phật thủ khô 15g, gạo tẻ sao vàng 30g, sắc nước uống, chia làm 3 lần một ngày.
– Chữa đau bụng do tỳ vị hư hàn: Phật thủ tươi 100g (khô 40g), rượu trắng 1 lít. Phật thủ xắt nhỏ, ngâm với rượu ít nhất 15 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 5 đến 10ml.
– Chữa nấc, ăn vào nôn ngược trở ra: Lấy vỏ quả phật thủ tươi cắt nhỏ, trộn đều với đường, ăn ngày từ 3 đến 4 lần, mỗi lần vài miếng, nhai rồi nuốt dần.
– Chữa trẻ em viêm gan truyền nhiễm: Phật thủ khô dùng liều cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 10 -15g; từ 3 đến 5 tuổi: 15 – 20g; từ 5 đến 7 tuổi: 20 – 25g; từ 7 đến 10 tuổi: 30g. Thêm vị bại tương thảo với liều mỗi tuổi 1g, từ trên 10 tuổi thì cứ tăng 2 tuổi thêm 1g. Sắc với nước trong 15 phút, pha đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình từ 7 đến 10 ngày. Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm phương thuốc này trên 64 bệnh nhi, bình quân từ 4 đến 5 ngày chứng vàng da biến mất, tinh thần và ăn uống đều chuyển biến tốt.
– Chữa xơ gan cổ trướng, phù thũng: Phật thủ khô (chỉ lấy vỏ, bỏ cùi quả) 120g, nhân trung bạch 90g, tán bột mịn, uống với nước sôi nguội lúc bụng đói.
– Chữa phụ nữ đau bụng kinh: Phật thủ tươi 30g, đương quy 8g, gừng tươi 6g, rượu trắng 30g, thêm chút nước sắc lên, chia làm 2 đến 3 lần uống trong ngày.
– Chữa huyết trắng ra nhiều ở phụ nữ: Phật thủ tươi 30g, ruột non heo 30cm (làm sạch), sắc với nước, chia làm từ 2 đến 3 lần uống trong ngày.
– Bài thuốc giải say rượu: Phật thủ tươi 30g, sắc với nước để uống.
Trả lời