Cách kiểm soát bệnh mất tự chủ tiểu tiện
Mất chủ động do stress gây ra mất tự chủ lâu ngày ở phụ nữ cao tuổi hay gặp, đặc trưng bởi bằng chứng rỉ nước tiểu tức thời khi có stress.
Mất tự chủ tiểu tiện có thể gặp ở một số người cao tuổi, ở các độ tuổi và tình trạng bệnh lý khác nhau.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng không phải luôn luôn được chẩn đoán rõ ràng là đặc biệt của một cơ quan nào. Vì vậy cần có sự quan tâm của thầy thuốc và bệnh nhân để chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Mất tự chủ tạm thời, do các nguyên nhân sau đây:
– Tình trạng mê sảng hay lú lẫn, trung tâm cảm giác bị rối loạn, nên bệnh nhân không nhận thức được cảm giác mót tiểu; khi mê sảng giảm, bệnh nhân sẽ phục hồi khả năng tự chủ tiểu tiện.
– Nhiễm khuẩn đường tiểu có triệu chứng, thường gây ra hay góp phần vào chứng mất tự chủ tiểu tiện.
– Lượng nước tiểu nhiều. Nguyên nhân gây lượng nước tiểu nhiều gồm: thuốc lợi tiểu, bia rượu, uống nước nhiều, các bất thường chuyển hóa như đái tháo nhạt, tăng đường huyết, tăng canxi huyết…
– Hoạt động hạn chế: Vì lý do nào đó bệnh nhân không hoạt động đi tiểu được tạo ra tình trạng mất tự chủ tiểu tiện. Khắc phục bằng cách cho bệnh nhân dùng bô đi tiểu.
– Phân lèn chặt: Là nguyên nhân thường gặp của mất tự chủ tiểu tiện, nhất là ở bệnh nhân nằm viện hay bệnh nhân mất hoạt động. Khắc phục bằng cách làm mềm phân.
– Thuốc: Có nhiều loại thuốc dùng chữa bệnh có thể gây ra mất tự chủ tiểu tiện như, thuốc an thần, thuốc ngủ; thuốc chống loạn tâm thần; thuốc chống tiết cholin; chống trầm cảm ba vòng; chống Parkinson; giảm đau, gây nghiện; đối kháng a – adrenergic; chẹn kênh canxi; lợi tiểu mạnh; thuốc ức chế men chuyển angiotensin…
Mất tự chủ lâu ngày
Hai nhóm nguyên nhân gây ra mất chủ động lâu ngày gồm có suy chức năng không thể phục hồi và loạn chức năng đường tiểu dưới bên trong.
Hoạt động bức niệu quá mức chiếm 2/3 số ca mất tự chủ tiểu tiện ở người cao tuổi cả nam lẫn nữ.
Biểu hiện: ở phụ nữ có rỉ nước tiểu khi có cảm giác cần đi tiểu không ngăn được; nam giới cũng có triệu chứng tương tự nhưng thường xảy ra cùng với nghẽn niệu đạo. Hoạt động bức niệu quá mức còn có thể do sỏi hay u bàng quang nên cần soi và khám bàng quang đối với những bệnh nhân có cảm giác mót tiểu, nhất là khi có cảm giác khó chịu ở đáy chậu, trên mu hoặc tiểu ra máu vô khuẩn.
Điều trị: Yêu cầu bệnh nhân đi tiểu 1-2 giờ một lần (trong khi thức) và không đi tiểu giữa thời gian đó. Động viên khuyến khích bệnh nhân tái lập tự chủ, nâng dần khoảng cách thời gian giữa hai lần đi tiểu.
Đối với bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, người chăm sóc cần phải nhắc đi tiểu theo cách trên. Khi cần dùng thuốc vẫn giữ chế độ đó và theo dõi để tránh gây ra ứ nước tiểu. Không nên hoặc rất hạn chế dùng ống thông cho những hoạt động bức niệu quá mức. Có thể dùng dụng cụ thu nhận nước tiểu bên ngoài hay dùng bỉm, khi các biện pháp đều không kết quả.
Mất chủ động do stress gây ra mất tự chủ lâu ngày ở phụ nữ cao tuổi hay gặp, đặc trưng bởi bằng chứng rỉ nước tiểu tức thời khi có stress. Tình trạng rỉ nước tiểu ngày càng nặng hơn hoặc chỉ xảy ra ban ngày. Khám khi bàng quang đầy và đáy chậu thư giãn mà thấy rỉ tức thời khi ho thì đó là triệu chứng mất tự chủ do stress.
Điều trị: Phẫu thuật là hiệu quả nhất. Đối với bệnh nhân nữ phối hợp tốt với thầy thuốc, phương pháp vận động cơ vùng chậu có thể áp dụng cho mất tự chủ do stress nhẹ và vừa, song phải huấn luyện đặc biệt cho bệnh nhân dùng nón âm đạo hay phản hồi sinh học. Có thể dùng một loại thuốc đối kháng a-adrenergic kết hợp với estrogen. Có thể làm giảm nhẹ bệnh bằng cách dùng vòng đỡ hoặc nút gạc.
Nghẽn niệu đạo ít gặp ở phụ nữ, nhưng gặp nhiều ở nam giới cao tuổi, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, co cứng cổ bàng quang, hay ung thư tuyến tiền liệt.
Bệnh biểu hiện có thể là mất tự chủ nhỏ giọt sau khi tiểu; mất tự chủ thúc mót do hoạt động bức niệu quá mức, hai triệu chứng này thường xảy ra đồng thời trong 2/3 số ca bệnh; hay mất chủ động chảy tràn do ứ nước tiểu. Cần sử dụng siêu âm thận để loại trừ ứ nước thận ở bệnh nhân; ở bệnh nhân nam cao tuổi đang chuẩn bị phẫu thuật, cần phải xác nhận tắc nghẽn bằng xét nghiệm động lực nước tiểu.
Điều trị: Phẫu thuật giảm áp là cách điều trị nghẽn hiệu quả nhất, đặc biệt là khi có ứ nước tiểu; đối với bệnh nhân không có điều kiện phẫu thuật thì đặt ống thông gián đoạn hoặc cố định; ở bệnh nhân nam bị nghẽn tuyến tiền liệt mà không ứ, điều trị bằng thuốc đối kháng a-adrenergic có thể làm giảm triệu chứng trong vài tuần.
Hoạt động bức niệu quá yếu: do rối loạn tự phát hay rối loạn thần kinh vận động dưới xương cùng, ít gặp nhất của mất tự chủ chỉ chiếm dưới 10% số ca. Biểu hiện là tiểu nhiều lần, tiểu đêm và rỉ thường xuyên với lượng nhỏ. Dung tích cặn sau khi đi tiểu gia tăng, thường > 450ml, phân biệt với hoạt động bức niệu quá mức và với mất tự chủ do stress. Để phân biệt với nghẽn niệu đạo ở nam cần xét nghiệm động lực nước tiểu.
Điều trị: Nếu bệnh nhân mà bàng quang co yếu có thể hướng dẫn làm các thao tác tăng tiểu như xoa bóp trên mu thường có kết quả; đặt ống thông gián đoạn hay cố định với bệnh nhân mà bàng quang không co. Dùng kháng sinh nếu có nhiêm khuẩn đường tiết niệu.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Trả lời