Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ trong mùa nắng nóng
Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.
Thời tiết oi bức, cơ thể dễ say nắng khi ra ngoài trời, thậm chí đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.
Vào hè, thời tiết thay đổi đột ngột và trở nên nắng nóng, đây là một trong những nguyên nhân khiến số người bị đột quỵ có xu hướng gia tăng. Đột quỵ do nắng nóng là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên đây là căn bệnh có thể phòng ngừa và phát hiện sớm.
Phát hiện sớm đột quỵ
Theo tài liệu thống kê y học gần đây cho thấy, khi bước vào mùa hè, số người bị tai biến mạch máu não tăng nhanh, số ca bị nặng cũng nhiều hơn. Tại các bệnh viện trên địa bàn cả nước…s ố bệnh nhân nhập viện điều trị đột quỵ không ngừng tăng. Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) nếu trong khi tháng 1 và 2 trước đó tiếp nhận khoảng 25 bệnh nhân đột quỵ mỗi ngày, thì trong tháng 3 và 4 là từ 30-40 ca/ngày. Chưa kể lúc nào tại đây cũng có 160-170 bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân TP.HCM chiếm khoảng 40%, các tỉnh lân cận khoảng 60%.
PGS. TS Trương Quang Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho hay, đột quy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong đó 88% nguyên nhân là tình trạng nghẹt mạch máu khiến máu không đủ cung cấp để nuôi mô não, tình trạng dị dạng mạch máu não gây vỡ mạch máu dẫn tới xuất huyết não. Đối tượng thường bị đột quỵ nhất là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ mắc. Xơ vữa thành mạch máu do gốc tự do và thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa não là hai nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu não.
Bác sĩ cho biết, bất kể ai đều có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người bị mắc bệnh mạn tính như tim, phổi, thận, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, những người uống quá nhiều rượu và người không uống đủ nước… là những đối tượng dễ bị đột quỵ do nắng nóng. Tuy nhiên, không khó để nhận ra những dấu hiệu của đột quỵ. Đó là cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân bên trái. Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi như nói ngọng, khó nghe hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói. Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt. Đột ngột nhức đầu dữ dội. Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt đi kèm với chóng mặt).
Theo bác sĩ Bình thì khi thấy người thân có những biểu hiện như trên, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về đột quỵ. Đồng thời, người nhà bệnh nhân cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân. Chẳng hạn, khi thấy bệnh nhân có những biểu hiện của đột quỵ thì phải đặt bệnh nằm nghỉ ngơi, tốt nhất là đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên để phòng khi bệnh nhân nôn, tránh bị sặc ở phổi. Các bác sĩ khuyên, không nên cho bệnh nhân dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi bệnh nhân có thể sặc và gây suy hô hấp cấp. Lưu ý, không nên dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân như: đánh gió hoặc chích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc cho sử dụng một số loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Các phòng bệnh tốt nhất
Cách phòng bệnh tốt nhất trong mùa hè được các chuyên gia đưa ra lời khuyên như sau: Vào mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời cao, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài trời vào những lúc nắng gắt. Với người có bệnh tim mạch, dùng máy điều hòa nên nhớ chỉ khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C và chênh lệch trong và ngoài phòng tốt nhất không nên được vượt quá 7 độ C. Cần phải chú ý thường xuyên bổ sung nước, để đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông), tập thói quen khi không khát cũng phải uống đủ nước. Có thể uống nước ép trái cây, rau quả mỗi ngày. Sáng sớm sau khi ngủ dậy hãy uống một cốc nước, mỗi ngày, nên bổ sung từ 1,5- 2lít nước cho cơ thể. Nếu phải tập luyện nên uống 1 cốc nước trước khi tập và cứ sau 20 phút vận đông mạnh nên bổ sung nước 1 lần.
Ngoài ra, vào mùa hè nên mặc quần áo nhẹ, rộng màu sáng, đội mũ rộng vàng và đeo kính. Khi ra ngoài cần bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng từ 30 SPF trở lên. Hủy bỏ các hoạt động ngoài trời nếu nắng nóng, chỉ nên ra ngoài vào sáng sớm và buổi chiều muộn. Mùa nóng, mọi người thường muốn uống rượu, bia cho mát, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Khi nắng nóng càng nên hạn chế rượu bia hoặc cà phê bởi các chất cồn và caffein sẽ làm cơ thể chúng ta bị mất nước nhiều hơn, dễ bị đột quỵ do nắng nóng hơn. Điều đặc biệt mà đơn giản nhất mà bản thân mỗi người có thể tự nhận biết được đó là kiểm soát lượng nước tiểu của mình khi thời tiết nắng nóng. Nếu nước tiểu bỗng nhiên sẫm màu hơn bình thường, chứng tỏ cơ thể đang bị thiếu nước và phải bổ sung ngay nước cho cơ thể. Ngoài ra, nên thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết, đặc biệt là ngăn ngừa sự hình thành cực máu đông.
Theo thống kê, tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát sau đó. Do vậy, để phòng tránh và giảm mức độ tái phát đột quỵ, người bệnh cần uống thuốc đúng theo toa bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng tái phát có thể giảm thiểu tối đa bằng chế độ điều trị thích hợp, liên tục và lâu dài. Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát của đột quỵ: kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sinh hoạt.
Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ là cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và hút thuốc lá. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Nếu cao huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ làm giảm được 38% nguy cơ đột quỵ và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ. Nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp là bệnh tim. Tiếp đó là người mắc bệnh tiểu đường, khi BN có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.
Trả lời