Cách sơ cứu kịp thời giúp bệnh nhân tai biến qua cơn nguy kịch
Thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.
Hàng năm tại Việt Nam, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não khiến 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và nhiều người bị dị tật. Vậy bạn đã biết cách sơ cứu kịp thời khi gặp trường hợp bị tai biến?
Dấu hiệu của đột quỵ
Theo thống kê, số bênh nhân đột quỵ đang gia tăng trong những năm gần đây. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Vì vậy, mọi người cần được trang bị kiến thức cơ bản để nhận biết những dấu hiệu của đột quỵ.
– Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể).
– Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.
– Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
– Đột ngột nhức đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp vận động.
Thời điểm vàng để điều trị tai biến
Ngay khi thấy có những dấu hiệu đó, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.
Vì vậy, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.
Những việc cần làm khi gặp người bị đột quỵ
Như vậy, khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần phải:
– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:
– Đặt người bệnh nằm lên một mặt phẳng nằm ngang, không đặt người bệnh lên đệm lò xo có độ lún quá sâu sẽ làm thay đổi tư thế đầu.
– Đặt đầu người bệnh hơi nghiêng, để nếu dịch trong miệng chảy ra nhiều sẽ chảy ra bên mép mà không để chảy xuống đường thở gây ngạt thở.
– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
– Trong thời điểm đó nếu có điều kiện thì nên kiểm tra nhịp tim và huyết áp của người bệnh. Tuyệt đối không cho uống thuốc hay nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Vì khi đó chưa biết bệnh do thiếu máu não hay xuất huyết não gây ra mà vẫn cố hạ huyết áp quá sớm vô tình chúng ta đã làm hại bệnh nhân, do lưu lượng máu sẽ giảm đột ngột và triệu chứng càng xấu đi.
Trả lời