Cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ là tình trạng tưởng chừng không nguy hiểm nhưng có nguy cơ bào mòn thể lực và thần kinh âm thầm, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Khi mất ngủ, cơ thể không có thời gian bù đắp lại năng lượng mất đi trong ngày làm việc trước đó.
Rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ là tình trạng tưởng chừng không nguy hiểm nhưng có nguy cơ bào mòn thể lực và thần kinh âm thầm, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Khi mất ngủ, cơ thể không có thời gian bù đắp lại năng lượng mất đi trong ngày làm việc trước đó.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Có nhiều yếu tố và nguyên nhân gây nên chứng mất ngủ:
Yếu tố bên ngoài: Căng thẳng trong công việc hoặc tài chính; Xung đột với người chung quanh; Sự cố lớn trong cuộc sống; Mệt mỏi do công việc hoặc làm việc theo ca kíp.
Mắc những bệnh lý nội khoa về tim mạch (mạch vành, loạn nhịp tim, suy tim); Hô hấp (hen phế quản, ngưng thở khi ngủ); Đau mạn tính; Bệnh nội tiết (đái tháo đường, cường giáp); Tiêu hóa (viêm – loét dạ dày, viêm dạ dày – thực quản trào ngược); Thần kinh (Parkinson, động kinh) và phụ nữ đang mang thai.
Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng để giúp cải thiện giấc ngủ. (Ảnh minh họa)
Tâm thần kinh: Rối loạn tính cách (trầm cảm, loạn thần); Rối loạn lo âu; Hội chứng cai thuốc, rượu.
Mất ngủ do sử dụng một số thuốc: Chống động kinh; Hạ huyết áp nhóm ức chế giao cảm; Lợi tiểu hoặc nhóm steroid, thuốc hưng phấn thần kinh.
Tùy mức độ và nguyên nhân của mất ngủ, y học hiện đại có nhiều thế hệ thuốc từ thuốc kháng histamin tại thụ thể H1 thế hệ 1 đến thuốc an thần gây ngủ để điều trị chứng mất ngủ, tuy nhiên cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng kéo dài vì có thể gây những phản ứng ngoài ý muốn.
Các biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ
Để cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ nên tập thói quen ngủ và thức vào một thời điểm nhất định trong đêm; Không nên ngủ buổi trưa quá dài (trung bình 15 – 30 phút là đủ); Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng (không có quá nhiều đồ vật, sách vở…), ánh sáng phù hợp (không quá sáng); Không ăn quá no hoặc ngược lại bị quá đói sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ; Tránh uống trà, càphê đậm đặc vài giờ trước khi ngủ; Tập thở sâu, đặc biệt thở cơ hoành (thở vào sâu, bụng di động theo nhịp thở trong khi hạn chế cử động của lồng ngực: Vai không nhấc lên, cơ cổ, cơ ngực không co kéo mạnh); Tập thư giãn (nằm thả lỏng các cơ từ mặt, cổ, ngực, bụng, tay, chân; Không nghĩ ngợi miên man.
Tập trung tư tưởng theo dõi vào động tác hít vào thở ra đều đặn. Thực hiện tốt thư giãn, giấc ngủ sẽ dễ dàng có chất lượng; Day ấn một số huyệt có tác dụng dịu sự căng thẳng và an thần như: Huyệt ấn đường (điểm giữa hai đầu trong chân mày), huyệt an miên (điểm sau trái tai khoảng 1,5cm), huyệt nội quan (điểm giữa hai gân cơ trên nếp gấp cổ tay khoảng 3cm). Xoa nóng bàn chân cả mặt lòng và mặt lưng, hoặc ngâm bàn chân trong nước ấm khoảng 50 độ C.
Ngoài ra có thể dùng một số dược liệu có tác dụng trấn tĩnh, giúp dễ ngủ như rau rút (rau rút non được sử dụng nấu canh với cá, thịt, tôm…); Củ sen, hạt sen, tâm sen, củ súng (có lợi cho người suy nhược tâm – thần kinh, rối loạn giấc ngủ); Nhãn nhục (nấu nước hoặc kết hợp hạt sen, táo nấu chè giúp dễ ngủ); Lá vông nem, ăn hoặc uống nước ép quả cà chua, càrốt, quả bơ, trái khóm, chuối… vì có chứa nhiều vitamin B2, B3, B6, C… giúp cơ thể tạo được chất serotonin, một loại hormone giúp ngủ ngon.
Theo suckhoedoisong
Trả lời