Cần bù nước khi bị tiêu chảy
Khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít uống nhiều” là đúng nhưng không bù nước bằng việc uống nước ép trái cây và nước ngọt
Tiêu chảy xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là vào những ngày nóng nực và thường do thực phẩm mau ôi thiu nên dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Tránh nước ép trái cây, nước ngọt
Những ngày nóng nực, chúng ta cũng thường uống nhiều các loại nước giải khát dọc đường, nước đá hoặc quá trình chứa đựng, sử dụng không hợp vệ sinh… Đây đều là những điều kiện dễ dẫn đến nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Đối với trẻ em, tiêu chảy trong một số trường hợp còn kèm theo nôn mửa sẽ làm cho bệnh nhân trụy tim mạch nhanh, dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Rất nhiều người cho rằng đã tiêu chảy mà còn uống nhiều nước sẽ càng đi tiêu lỏng nhiều hơn. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm và rất nguy hiểm nếu bệnh nhân là trẻ em. Lý do là trong lúc tiêu chảy, cơ thể mất nước và mất điện giải cho nên cái cần thiết nhất là phải tìm cách bù nước ngay trước khi đưa đi bệnh viện.
Nước để bù tốt nhất là dung dịch orezon được pha đúng liều lượng hướng dẫn. Dung dịch orezon được bán rất nhiều ở các nhà thuốc. Khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít uống nhiều” là đúng nhưng không bù nước bằng việc uống nước ép trái cây và nước ngọt.
Không ăn kiêng quá mức
Khi tiêu chảy, nhiều người chỉ ăn cơm với muối trắng, cháo muối hay cháo đường khiến cơ thể nhanh chóng suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh và chống đỡ sự tấn công của những loại vi khuẩn khác.
Bệnh nhân tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất và năng lượng. Đạm, kẽm, vitamin… từ thịt, cá, trứng, đậu sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục. Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục bú vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng những yếu tố chống bệnh; vẫn tiếp tục ăn và uống sữa bình thường, không pha loãng nhưng nên chia nhỏ bữa ăn.
Thực phẩm cần tránh là những loại nhiều chất xơ (rau, củ, đậu, bắp cải, giá), trái cây có bột (lê, đào, mận…), thực phẩm chứa nhiều đường đơn giản (nước ngọt, nước trái cây, mật ong, kẹo bánh ngọt…)
Nên cho trẻ ăn sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Theo khuyến cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, cần thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, uống nước lã và các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, gỏi, tiết canh, nem chua; nguồn nước ăn uống phải được giữ sạch sẽ.
Đun sôi, nấu chín, gọt vỏ…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đưa ra lời khuyên cho chúng ta mỗi khi đi du lịch đến vùng có nguy cơ bệnh tiêu chảy cấp và bệnh tả cao là hãy đun sôi, nấu chín, gọt vỏ, còn không thì đừng ăn. Cụ thể: chỉ uống nước đun sôi hay đã xử lý bằng chlor hay i-ốt; trà và cà phê phải pha bằng nước đun sôi, khi uống nước có gas hay nước giải khát không dùng đá; chỉ ăn các thức ăn phải được nấu chín và ăn khi còn nóng, chỉ ăn trái cây do chính mình gọt vỏ; không ăn cá và hải sản tái, rau sống và salad hoặc ăn uống hàng rong.
Theo suckhoe4u
Trả lời