Chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các biểu hiện bệnh tim mạch. Loạn nhịp tim có thể chỉ là một sự khó chịu nhẹ nhưng cũng có thể là một tình trạng bệnh lý nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Quả tim có một hệ thống riêng để phát động và lan truyền các xung động điện học tới mọi vùng cơ tim. Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải và là chủ nhịp tự nhiên của quả tim. Nút xoang sẽ phát xung động điện học lan toả ra toàn bộ quả tim để chỉ huy hoạt động của tim. Đầu tiên, xung động sẽ chỉ huy hai tâm nhĩ co bóp đẩy máu xuống hai tâm thất ở dưới. Tiếp đến, xung động sẽ được truyền dẫn xuống chỉ huy hai tâm thất co bóp để đẩy máu vào hệ thống động mạch. Như vậy, trong một nhát bóp bình thường của tim, xung động sẽ đi từ nút xoang – nút nhĩ thất – bó His – các nhánh bó His – mạng Purkinje và sau đó lặp lại.
Khi cơ thể nghỉ ngơi, quả tim đập chậm lại và khi hoạt động, đặc biệt là hoạt động gắng sức, quả tim sẽ đập nhanh hơn để cung cấp oxy cho các bắp cơ. Nhịp tim bị rối loạn có thể là không đều hoặc quá nhanh hoặc quá chậm không phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
Nhịp tim bình thường
Nhịp tim bình thường là NHỊP XOANG. Tần số tim bình thường dao động trong khoảng 60-80 nhịp/ phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Con số này rất biến đổi tuỳ thuộc từng cá thể, nhiều người có nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn vẫn được coi là bình thường.
Nhịp tim biến đổi trong ngày tuỳ thuộc vào mức độ hoạt động của cơ thể và là biểu hiện của sức khoẻ.
Nhịp tim chậm thường gặp ở những người luyện tập thể lực thường xuyên (các vận động viên). Một số người có nhịp tim rất chậm nhưng hoàn toàn bình thường đặc biệt khi ngủ.
Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim
Loạn nhịp tim nhiều khi không gây triệu chứng. Trong trường hợp tim đập quá chậm, người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân… Khi tim đập quá nhanh, triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, nếu nặng có thể có biểu hiện suy tim.
Đánh trống ngực biểu hiện thường gặp nhất của loạn nhịp tim, là khi BẠN cảm thấy được tim mình đang đập mạnh. Cảm giác đánh trống ngực cũng xuất hiện ngay cả khi quả tim đang làm việc hoàn toàn bình thường. Lúc đó hoạt động điện học của tim không hề bị nhiễu loạn, chỉ đơn giản là tim co bóp mạnh hơn khiến bạn cảm nhận được.
Đánh trống ngực do rối loạn nhịp tim có thể được mô tả rất khác nhau:
– Cảm giác “hẫng hụt”, xuất hiện khi có một nhát bóp của tim đến sớm. Do thời gian được đổ đầy máu ngắn nên nhát bóp của tim chỉ bơm được một lượng máu rất ít gây ra cảm thấy hẫng hụt.
– Cảm giác tim bị ngừng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như thể bị “đấm” vào ngực. Đây là biểu hiện của một lượng máu lớn được bơm ra khỏi quả tim sau thời gian đổ đầy dài hơn bình thường do tim ngừng đập trong chốc lát.
– Nhiều cảm giác “hẫng hụt” liên tiếp, có thể đều hoặc không đều.
Đánh trống ngực rất thường gặp và phần lớn là lành tính. Tuy nhiên, trong những trường hợp dưới đây cần đi khám bệnh:
– Đánh trống ngực kèm theo choáng ngất, thể hiện tình trạng lưu lượng tim bị sút giảm. Bạn cần đi gặp bác sĩ ngay!
– Đánh trống ngực kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng.
– Đánh trống ngực xuất hiện khi bạn mới sử dụng một loại thuốc nào đó.
– Đánh trống ngực xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài.
– Đánh trống ngực kèm theo đau đầu và vã mồ hôi.
Chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Nhìn chung, chúng ta không thể chẩn đoán chính xác nếu chỉ dựa trên mô tả triệu chứng và khám lâm sàng. Điện tâm đồ có thể cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp. Tất nhiên, loạn nhịp tim phải xảy ra vào thời điểm điện tâm đồ được ghi thì mới đánh giá được. Khó khăn là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể “bắt” được cơn rối loạn nhịp. Vì lý do này, nhiều thiết bị và phương pháp chuyên sâu hơn đã được áp dụng để chẩn đoán các rối loạn nhịp tim:
– Máy ghi điện tâm đồ liên tục (Holter): là thiết bị đã được sử dụng trong nhiều năm nay. Máy được đeo vào người với các điện cực gắn trên thành ngực, điện tâm đồ được ghi lại liên tục trong suốt thời gian 24 giờ hoặc dài hơn. Ưu điểm của thiết bị là giúp theo dõi điện tâm đồ liên tục, có thể ghi lại được những cơn rối loạn nhịp không gây triệu chứng hoặc vào ban đêm khi bạn đang ngủ.
– “Máy ghi biến cố”: là một thiết bị có kích thước nhỏ bằng bao thuốc lá, có thể mang theo người mà không cần gắn các điện cực trên thành ngực. Với những điện cực nằm ngay trên máy, việc ghi điện tâm đồ sẽ được thực hiện khi ta áp thiết bị lên thành ngực và ấn nút. Thiết bị này rất thích hợp trong việc phát hiện những rối loạn nhịp chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.
– Thăm dò điện sinh lý học tim được áp dụng trong trường hợp các phương pháp trên không đem lại kết quả, được tiến hành tại bệnh viện chuyên sâu về tim mạch. Các bác sĩ sẽ sử dụng các ống thông nhỏ, đường kính vài mm, luồn vào quả tim theo đường mạch máu để ghi lại một cách chính xác hoạt động điện học của quả tim. Qua các ống thông, các bác sĩ có thể kích thích hệ thống dẫn truyền của tim bằng phần mềm máy tính để gây xuất hiện và đánh giá các rối loạn nhịp tim. Thêm vào đó, qua các ống thông, bác sĩ có thể sử dụng năng lượng sóng cao tần (sóng radio) để triệt đốt, điều trị khỏi hoàn toàn một số rối loạn nhịp tim.
Các nguyên nhân thường gặp gây rối loạn nhịp tim
– Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
– Stress, thiếu ngủ.
– Thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác.
– Một số loại thuốc: thuốc tim mạch, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc đông y…
– Tình trạng rối loạn điện giải: natri, kali, calci…
– Bệnh lý thực tổn hệ tim mạch: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim…
– Bệnh nội tiết.
Các biện pháp điều trị bệnh rối loạn nhịp tim
– Thay đổi lối sống: tránh các yếu tố kích thích, giảm stress…
– Dùng thuốc chống rối loạn nhịp tim: Bạn cần đi khám và dùng thuốc đúng theo chỉ định của các bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.
– Cấy máy tạo nhịp tim: các máy tạo nhịp tim giúp điều trị hiệu quả các nhịp tim chậm.
– Điều trị bằng năng lượng sóng radio: Các bác sĩ sẽ dùng năng lượng điện để triệt đốt các ổ ngoại vị hoặc đường dẫn truyền bất thường gây rối loạn nhịp thông qua việc sử dụng các ống thông nhỏ luồn vào tim qua đường mạch máu.
– Cấy máy phá rung tự động: Đối với một số rối loạn nhịp tim nhanh gây nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ sẽ cấy một thiết bị có thể phát hiện rất nhanh và tự động chấm dứt các rối loạn nhịp bằng dòng điện (shock điện tự động).
Theo Bệnh
Trả lời