Có nhất thiết phải phẫu thuật khi bị bệnh hở van hai lá
Phẫu thuật sửa van hoặc thay van nhân tạo là những phương pháp có thể chữa tận gốc cho những người mắc bệnh hở van hai lá. Nhưng có phải khi nào mắc hở van hai lá cũng cần phẫu thuật?
Không phải hở van 2 lá nào cũng cần thiết phải phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật khi:
– Hở van 2 lá nặng (từ ¾ trở lên) và có triệu chứng nhiều (mệt khó thở, đau tức ngực, phù…).
– Hở van 2 lá nặng, không có triệu chứng nhiều nhưng chức năng tim bị suy giảm rõ trên siêu âm tim.
– Hở van 2 lá nặng không triệu chứng và không suy giảm chức năng tim rõ, nhưng bị rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim) hay bị tăng áp lực động mạch phổi.
Những trường hợp trên nếu không phẫu thuật thì suy tim sẽ diễn tiến nặng dần cho tới suy tim mất bù và tử vong.
Có 2 phương pháp phẫu thuật van tim:
– Phẫu thuật sửa van: khi lá van không bị tổn thương quá nặng.
– Phẫu thuật thay van nhân tạo: khi các cấu trúc van tim bị hư hỏng nặng, không thể dùng được nữa (người ta dùng siêu âm để đánh giá mức độ tổn thương van tim).
Hiện nay phương pháp phẫu thuật sửa hay thay van tim thường dùng trên thế giới vẫn là phẫu thuật tim hở (mở buồng tim ra sau khi cho tim ngưng đập và chạy máy tim-phổi nhân tạo). Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn và đặc biệt là phương pháp sửa van tim bằng kỹ thuật thông tim qua da vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được áp dụng rộng rãi. Ở Việt Nam chưa làm được phương pháp này.
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật nhanh hay chậm phụ thuộc diễn tiến cụ thể của cuộc phẫu thuật, tình hình diễn biến sau khi phẫu thuật, các bệnh kèm theo…
Đối với van tim nhân tạo cơ học, thời gian sử dụng rất lâu, có thể suốt đời. Để biết rõ tình trạng bệnh của mình và được tư vấn cụ thể, bạn nên đến khám tại một bệnh viện có khoa phẫu thuật tim, chẳng hạn như Viện Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy…
(Theo Traitimchoem.vtv.vn)
Trả lời