Đau lưng mạn tính có nguy hiểm ?
Hầu hết đau lưng từng bước cải thiện với điều trị tại nhà và tự chăm sóc. Tuy nhiên người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ khi có các biểu hiện bệnh như đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại; đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, đặc biệt là nếu cơn đau kéo xuống dưới đầu gối; yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai; rối loạn tiêu tiểu; đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được.
Hầu hết mọi người sẽ trải qua đau lưng ít nhất một lần trong cuộc sống và có khoảng 10% dân số trên toàn cầu bị đau lưng (WHO).
Đau lưng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần được coi là cấp tính. Đau kéo dài trong ba tháng hoặc lâu hơn được coi là mạn tính. Tại BV Đại học Y Dược TPHCM thường xuyên tiếp nhận những người bệnh bị đau lưng kéo dài.
Như trường hợp của L.X.T (35 tuổi – lái xe đường dài liên tục), anh thường xuyên đau dọc cột sống cổ lan xuống thắt lưng, khi xoay người gây đau và quan sát kính chiếu hậu rất khó khăn. Bệnh này kéo dài 1 năm.
Sau khi thăm khám, các BS chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc và khuyến cáo anh không nên tập trung ở một tư thế kéo dài gây co cứng cột sống gây đau; cố gắng trong thời gian làm việc từ 45 – 60 phút phải có những cử động xoay trở nhẹ nhàng và uống thuốc điều trị đều đặn.
Hay chị Đ.T.X (33 tuổi) cũng là một trường hợp điển hình tại BV. Chị bị đau lưng kéo dài 6 tháng nay, đau lan xuống vùng mông. Chị X đau đến nỗi gây hay bực mình, cáu gắt hay khuân vác đồ cũng thấy đau.
Lần đầu tiên, người bệnh được điều trị nội khoa tích cực 6 – 8 tuần, kết hợp tập vật lý trị liệu nhưng việc đáp ứng giảm đau của người bệnh không được tốt.
Sau đó, bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tiếp theo là tiêm phong bế ngoài màng cứng để điều trị đau thần kinh tọa cho người bệnh. Chỉ qua một lần điều trị, tình trạng của chị X đã có cải thiện 60- 70%.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về trường hợp bệnh cụ thể, dấu hiệu, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh đau lưng mạn tính AloBacsi xin giới thiệu những chia sẻ của TS.BS Nguyễn Minh Anh – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM và ThS. BS Lê Viết Thắng – Chuyên khoa Ngoại Thần Kinh.
Các dấu hiệu của bệnh đau lưng mạn tính?
ThS. BS Lê Viết Thắng – Chuyên khoa Ngoại Thần Kinh thăm khám cho bệnh nhân
Người bệnh đau lưng mạn tính có các triệu chứng đau lưng kéo dài trên 3 tháng như đau cơ, đau lan xuống chân, hạn chế tính linh hoạt, ảnh hưởng hoạt động hàng ngày, không có khả năng đứng thẳng.
Hầu hết đau lưng từng bước cải thiện với điều trị tại nhà và tự chăm sóc. Tuy nhiên người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ khi có các biểu hiện bệnh như đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại; đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, đặc biệt là nếu cơn đau kéo xuống dưới đầu gối; yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai; rối loạn tiêu tiểu; đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được.
Phương pháp chẩn đoán bệnh?
Người bệnh đến khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM hoặc các cơ sở y tế có phòng khám đau mạn tính sẽ được thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá lại quá trình bệnh chi tiết dựa trên bộ câu hỏi dành riêng cho bệnh đau lưng mạn tính.
Đồng thời, người bệnh được chỉ định thực hiện một số các cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X- quang, siêu âm, đo độ loãng xương, đo điện cơ, chụp cắt lớp (CT Scan), cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện sớm được bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh?
Đau lưng cấp là tình trạng đau dữ dội nhưng kéo dài trong thời gian ngắn, còn đau lưng mạn tính thường diễn ra âm ỉ và kéo dài nhiều ngày. Trong ảnh TS.BS Nguyễn Minh Anh – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM đang thăm khám cho bệnh nhân
Hầu hết bệnh đau lưng trở nên tốt hơn với một vài tuần điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp vật lý trị liệu và tập thể dục.
Trong trường hợp các biện pháp khác không làm giảm đau và nếu cơn đau tỏa xuống chân, các bác sĩ có thể tiêm thuốc phong bế thần kinh hai chân giúp giảm đau. Kỹ thuật này được áp dụng thường xuyên tại phòng khám Đau mạn tính – Khoa Ngoại Thần Kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM.
Hiện tại, rất ít người bệnh cần phải phẫu thuật cho bệnh đau lưng. Phẫu thuật chỉ có hiệu quả trên những bệnh chèn ép thần kinh nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lí trị liệu như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gãy xẹp đốt sống do loãng xương, u tủy…
Ngoài ra còn những phương pháp trị liệu khác mang hiệu quả nhất định như nắn bóp chăm sóc, châm cứu, Yoga,…
Làm sao để phòng tránh bệnh đau lưng?
Theo ThS.BS Lê Viết Thắng, cộng đồng có thể tránh đau lưng sớm bằng cách cải thiện điều kiện thể chất và thực hành vận động thích hợp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, tư thế đứng và ngồi đúng, không hút thuốc lá, giảm cân.
Người bệnh, đặc biệt là lớn tuổi và nữ giới, cần hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng như hút thuốc lá, béo phì, tránh các công việc thể chất vất vả, lo âu, trầm cảm.
Trả lời