Đau nửa đầu – Nỗi khổ đeo bám dai dẳng
Do dễ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang nên bệnh đau nửa đầu thường được phát hiện muộn, khiến việc chữa trị khó khăn và kéo dài. Điều đáng lo nhất trong việc nhầm lẫn này là nhiều bệnh nhân dùng thuốc giảm đau kéo dài dễ dẫn đến lờn thuốc cũng như hại cho gan, thận.
Không trực tiếp gây tử vong, nhưng bệnh đau nửa đầu (Migraine) ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và có thể khiến bệnh nhân tàn phế.
BS Nguyễn Bá Thắng khám cho bệnh nhân đau nửa đầu
Đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay và bệnh nhân đa phần là phụ nữ, thậm chí có cả trẻ em.
Đau buốt óc
15 tuổi nhưng Nguyễn Thùy P. ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM đã có “thâm niên” ba năm bị bệnh đau nửa đầu và em buộc phải nghỉ học khi mới lớp 10. Lúc đầu, khoảng một tháng P. mới đau đầu một lần, về sau tần suất và cường độ đau ngày càng tăng, từ 10 ngày tiến đến cách ngày.
Em P. kể: “Mỗi cơn đau kéo dài ít nhất bốn tiếng, nửa đầu bên trái của em đau như ai lấy búa đập, mỗi khi nghe tiếng xe cộ, âm thanh là nhức như nổ tung. Năm lớp 10, em mang tiếng đi học, nhưng thời gian nằm ở phòng y tế trường nhiều hơn trên lớp. Chỉ nằm trong phòng tối, tránh ánh sáng và không có tiếng động, em mới chịu đựng được, dù vẫn nhức kinh khủng. Mỗi lần mắt bị chóa, có đốm sáng chớp tắt phía trước là em bị ám ảnh, vì nó báo hiệu cơn đau sắp đến, thuốc giảm đau cũng không còn tác dụng nhiều”.
Tuy là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ do có liên quan đến vấn đề nội tiết, nhưng cánh đàn ông cũng mắc phải khá nhiều. Anh Phan Tấn Th. (42 tuổi, ngụ xã Đông Hưng Thuận, H.Hóc Môn, TPHCM) cho biết: “Mình bị bệnh đau nửa đầu gần chục năm nay, tuần nào cũng đau vài lần. Lần nhẹ thì uống thuốc giảm đau là qua, nặng thì được… thưởng thức thêm ói, chóng mặt và mệt rã rời. Hầu như mình chẳng làm được việc gì, bởi chẳng biết trước khi nào lên cơn đau, mà đã đau thì phải nằm như bất động”. Hậu quả, từ vị trí phó phòng của một tập đoàn công nghệ thông tin lớn, giờ anh Th. phải xin nghỉ vì không thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Dễ nhầm với viêm xoang
BS Nguyễn Bá Thắng – Phó khoa Thần kinh Bệ nh việ n (BV) ĐH Y Dược TPHCM cho biết, đau nửa đầu là bệnh lý phổ biến ở nữ giới từ 15-40 tuổi, tuy nhiên trẻ em và nam giới cũng gặp khá nhiều. Bệnh thường xuất hiện xung quanh kỳ kinh nguyệt, với những cơn đau nửa đầu có cường độ vừa và mạnh, kéo dài từ bốn giờ đến… ba ngày, thường đi kèm với nôn ói. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, chứng bệnh này có thể dẫn tới biến chứng như nhồi máu não, liệt nửa người… Ngoài ra, những cơn đau dữ dội, dai dẳng dễ khiến bệnh nhân suy sụp cả về thể chất và tinh thần, không thể làm việc được.
Hầu như ngày nào BV ĐH Y Dược cũng tiếp nhận vài trường hợp đau nửa đầu. Có người phát cơn đau vài tháng, có người bị cả chục năm và hơn 50% bệnh nhân nhầm lẫn bệnh migraine với viêm xoang do chúng có cùng triệu chứng đau nửa đầu và cơn đau lặp đi lặp lại. Thậm chí, có trường hợp BS kết luận bị bệnh đau nửa đầu thì hoài nghi, không theo phác đồ điều trị bệnh migraine vì khăng khăng mình viêm xoang, chỉ đến khi điều trị viêm xoang không khỏi thì mới quay lại bày tỏ “chắc là tui bị bệnh đau nửa đầu thật rồi”.
Do dễ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang nên bệnh đau nửa đầu thường được phát hiện muộn, khiến việc chữa trị khó khăn và kéo dài. Điều đáng lo nhất trong việc nhầm lẫn này là nhiều bệnh nhân dùng thuốc giảm đau kéo dài dễ dẫn đến lờn thuốc cũng như hại cho gan, thận.
Theo BS Nguyễn Bá Thắng, tuy đây là hai bệnh lý có triệu chứng cơ bản giống nhau, nhưng nếu để ý kỹ thì hoàn toàn có thể phân biệt. Ví dụ: đau nửa đầu là đau theo cơn, thường kéo dài từ bốn giờ đến ba ngày/cơn, cường độ đau từ vừa đến dữ dội, chỉ một cử động nhỏ cũng làm tình trạng đau nặng hơn. Trước cơn đau có thể xuất hiện hiện tượng chóa mắt và trong cơn đau có thể kèm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Còn viêm xoang không đau theo cơn và khi đau thường kèm theo sốt, chảy mũi…
Hiện việc điều trị bệnh migraine là uống thuốc giảm đau, dùng thuốc cắt cơn cũng như dự phòng cơn đau tái phát. Tuy nhiên, việc điều trị thường kéo dài đến vài tháng và bệnh nhân phải kiên nhẫn. Thế nhưng, khi những cơn đau liên tục xuất hiện, đã có không ít người đầu hàng, bỏ dở phác đồ điều trị, khiến bệnh nặng hơn.
Để hạn chế và phòng ngừa bệnh migraine, cần có chế độ làm việc, sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không làm việc căng thẳng, nên tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau xanh, trái cây… Bởi những yếu tố thuận lợi khiến bệnh xuất hiện là làm việc quá sức, stress, suy giảm nội tiết (estrogen) ở phụ nữ, hút thuốc lá, rượu bia hay ăn những thực phẩm như chocolate, phô mai…
Khi xuất hiện những cơn đau nửa đầu, người bệnh cần đi khám chuyên khoa thần kinh, nhất là có người thân từng mắc bệnh migraine, bởi đây là bệnh có yếu tố di truyề n. Khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm giúp tránh những trường hợp tàn phế đáng tiếc, cũng như loại trừ bệnh lý nguy hiểm như u não.
Theo Phụ nữ TPHCM
Trả lời