Đau thần kinh hông phải chữa thế nào ?
Cháu bị đau thần kinh hông, viêm khớp vùng chậu 2 bên, dùng thuốc nhiều chưa thấy đỡ. Giờ cháu phải làm sao ạ?
Chào bác sĩ,
Cháu bắt đầu bị đau ở vùng xương cụt, rồi tiếp đến đau phía trong 2 đùi, cháu đi khám ở Bạch Mai, chụp X-quang thì được chẩn đoán là bị đau thần kinh hông to 2 bên, viêm khớp cùng chậu 2 bên, bị 2-3 năm rồi. Cháu uống thuốc được gần 1 tháng mà không thấy đỡ nhiều. Cháu xin hỏi bây giờ cháu phải chữa thế nào ạ? Cháu là Nam, 22 tuổi.
(Hồng Hạnh – Bình Định)
Chào bạn,
Đau dây thần kinh hông còn được gọi là đau dây thần kinh tọa. Đau từ thắt lưng xuống mông, xuống mặt sau của đùi, khoeo chân rồi xiên ra ngón chân út, ngón cái và các ngón gần đó tùy theo rễ bị đau. Là chứng bệnh thường gặp với nhiều nguyên nhân khác nhau nhất là những bệnh cảnh viêm nhiễm, chèn ép…
Về điều trị thường là điều trị theo nguyên nhân. Điều trị nội khoa các trường hợp không có nguyên nhân chèn ép, hoặc có chèn ép nhưng không có chỉ định phẫu thuật. Điều trị nội khoa bao gồm nằm nghỉ, sử dụng thuốc tây y, có thể kết hợp với đông y như châm cứu, vật lý trị liệu… Dùng thuốc giảm đau và kháng viêm, có thể dùng lý liệu pháp như xoa bóp, ion hóa canxi, điện nóng. Những trường hợp nặng như thoát vị đĩa đệm nặng điều trị nội khoa không có kết quả sẽ phải phẫu thuật.
Hai khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa hai mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của hai xương cánh chậu. Khi khớp cùng chậu bị viêm, bệnh nhân bị đau ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa hai mông, vùng chậu hông kèm theo teo cơ mông.
Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị mắc các bệnh ở đại tràng như viêm đại trực tràng, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục. Để điều trị viêm khớp cùng chậu hiện nay thường chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ.
Những trường hợp nặng cần phải dùng phối hợp các thuốc cefotaxim, ceftriaxon với metronidazol, azithromycin, roxithromicin, clindamycin, gentamycin… Điều trị triệu chứng cần dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm corticoid vào khớp cùng chậu.
Cách tốt nhất cho bạn lúc này là phải quay lại tái khám, mang theo kết quả chẩn đoán trước đó để Bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và điều chỉnh phương pháp điều trị thích hợp.
Theo Alobacsi
Trả lời