Dùng thuốc chống dị ứng mà vẫn ngứa ?
Trong lúc bận rộn với công việc mà bị cảm giác ngứa râm ran trên da, bạn sẽ rất dễ phân tâm. Đặc biệt là khi chỗ ngứa ở sau lưng, nơi bạn không… với tay được.
Tiền mất, tật vẫn mang
Nhiều người đã tìm mua thuốc chống dị ứng, nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. Vì sao vậy? Thông thường, dị ứng là do cơ thể tiếp xúc với một số yếu tố, chẳng hạn qua đường hô hấp như mùi sơn còn mới, qua đường tiêu hóa như chất phụ gia trong thực phẩm, hay qua da như nước rửa chén… Nói cách khác, bệnh tấn công từ bên ngoài. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy…
“Vì sao dùng thuốc chống dị ứng mà vẫn ngứa?” là câu hỏi được nhiều người quan tâm
Nguyên nhân gây ngứa
Chuyên gia ở ĐH Berkeley, California cho biết tình trạng ngứa ngáy, nhất là khi đổ mồ hôi vì trời nóng, sau khi tắm nước nóng, khi bực bội… thường không do dị ứng mà vì hai nguyên nhân khác.
Trước hết, nhiều trường hợp nay ngứa chỗ này mai nhột chỗ khác là hậu quả của tình trạng căng thẳng thần kinh (stress) kéo dài. Đó là lý do tại sao dấu hiệu ngứa trên mặt, trên lưng thường gặp ở người xin việc, sắp về hưu, chờ ly dị, đợi bản án tòa…
Cũng chính vì thế mà thuốc chứa khoáng tố kẽm tuy không trực tiếp chống dị ứng, lại hữu hiệu. Trong nhiều trường hợp, tình trạng bệnh lý được cải thiện thấy rõ chỉ sau vài ngày dùng thuốc kẽm.
Dễ hiểu vì khoáng tố kẽm là nhân tố cần thiết để tuyến thượng thận có thể hoạt động một cách tối ưu. Người càng có cuộc sống căng thẳng càng mau thiếu hụt kẽm. Chất này lại không được dự trữ trong cơ thể như các khoáng tố vi lượng khác.
Thiếu kẽm, vì thế, dễ xảy ra và kéo theo rối loạn dẫn truyền thần kinh. Khi đó ngứa ngáy trên mặt da không mời vẫn đến. Nếu không hiểu bệnh rồi điều trị theo định kiến thì tình trạng ngứa ngáy, dù có uống bao nhiều thuốc chống dị ứng, cũng bằng không,
Kế đến, theo thống kê còn nóng hổi của các hãng bảo hiểm y tế bên châu Âu, không dưới 2% dân số đang thường xuyên là nạn nhân của tình trạng dị ứng do chất sinh dị ứng (histamin), sản sinh ngay trong khung ruột.
Hậu quả là người bệnh buồn nôn, ngứa ngáy toàn thân, thậm chí hen suyễn. Một số người bệnh do không tìm ra đúng nguyên nhân, bị chẩn đoán và điều trị nhầm nên uống đủ thuốc mà bệnh không thuyên giảm.
Các bác sĩ ở châu Âu từ lâu đã khuyến khích một số biện pháp nên áp dụng thường xuyên để giảm hàm lượng histamin trong khung ruột như:
Sữa chua có men tiêu hóa và vi sinh hữu ích như Bifidum, Acidobacillus.
Hoạt chất có công năng hút hơi trong khung ruột như Simethicon, Alverin.
Dược thảo có công năng nhuận trường như atisô.
Chất xơ trong rau cải để mượn tác dụng cơ học vừa kéo chất béo, vừa kéo độc chất ra ngoài.
Các bác sĩ ở châu Âu luôn khuyến cáo bệnh nhân nên đến thầy thuốc sớm nếu ghi nhận dấu hiệu ngứa ngáy ngoài da. Lý do rất đơn giản. Ngứa nói riêng và dị ứng nói chung là triệu chứng cho thấy hệ miễn dịch và hệ thần kinh giao cảm không còn hoạt động ăn khớp.
Tình trạng dị ứng, nếu xảy ra quá thường, nếu càng lúc càng nặng, sớm muộn cũng là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng khác; những căn bệnh có thể dự phòng nếu dấu hiệu dị ứng trước đó được điều trị đến nơi đến chốn, thay vì chỉ gãi ngứa ngoài da.
Dị ứng thường thể hiện qua triệu chứng ngứa. Nhưng điều đó không có nghĩa hễ ngứa là dị ứng. Nếu ngứa nhưng không do dị ứng thì giải pháp tất nhiên không thể là dùng thuốc chống dị ứng.
Đừng quên thuốc chống dị ứng tác dụng bằng cách ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, nghĩa là mở ngỏ cho nhiều căn bệnh khác, đặc biệt là bệnh bội nhiễm, nếu dùng thuốc lâu dài. Do đó, bệnh nào cũng thế, nếu dùng thuốc nhiều ngày nhưng vẫn như không thì phải nhanh chóng khám tìm rõ căn nguyên và đổi thuốc.
Theo BS Lương Lễ Hoàng – Gia đình Việt Nam
Trả lời