Giải độc rượu cho gan khỏe
Gan có chức năng giữ các chất độc có hại cho cơ thể để thải trừ ra ngoài, hoặc biến những chất độc thành chất không độc. Sử dụng rượu quá nhiều, quá trình chuyển hó và thải trừ quá tải, lượng cồn trong máu quá cao và kéo dài sẽ gây ngộ độc.
Rượu là nguyên nhân chủ yếu gây xơ gan ở những nước mà dân chúng uống nhiều rượu như ở Việt Nam…Tổn thương từng ít một song và cuối cùng sẽ gây tổn thương gan không hồi phục.
Rượu sau khi uống được hấp thụ vào cơ thể qua hệ tiêu hóa. Thời gian hấp thụ của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Rượu được hấp thu chậm khi dạ dày đầy thức ăn và hấp thu nhanh khi dạ dày rỗng, các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu so với các thức ăn chứa nhiều tinh bột. Nồng độ của rượu cũng ảnh hưởng đến sự hấp thụ.
Trong cơ thể, rượu được lan truyền đến các nội tạng qua đường máu. Rượu khuếch tán qua các màng sinh học vào các tế bào và các mô. Tốc độ lan truyền của rượu vào các mô có sự khác nhau, phụ thuộc vào sự tưới máu của các mô. Rượu tập trung rất nhanh ở tim, phổi, não…nhưng rất chậm ở các mô cơ và xương.
Rượu cũng khuếch tán vào không khí trong phế nang với hệ số trao đổi cao. Khoảng 5% lượng rượu uống được thải trừ nguyên vẹn bằng đường nước tiểu, mồ hôi và khí thở ra. Còn 95% lượng rượu được chuyển hóa tại gan. Sau khi đạt tới đỉnh cao, thì nồng độ của rượu trong máu giảm dần phụ thuộc vào tốc độ chuyển hóa ở gan và bài tiết của rượu.
Gan có chức năng giữ các chất độc có hại cho cơ thể để thải trừ ra ngoài, hoặc biến những chất độc thành chất không độc. Sử dụng rượu quá nhiều, quá trình chuyển hó và thải trừ quá tải, lượng cồn trong máu quá cao và kéo dài sẽ gây ngộ độc.
Biểu hiện chính của ngộ độc rượu: Giảm và mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài…không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người…Sau khi uống quá nhiều, người uống không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được. Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra.
Nhiều trường hợp người uống rơi vào hôn mê, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ, đặc biệt hay gặp hiện tượng này ở người mới uống rượu hay ít uống mà lại uống quá nhiều. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngưng thở.
Cần đặc biệt chú ý với người có tuổi hay đang có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Khi say rượu, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hoặc sặc chất nôn.
Say rượu hay ngộ độc rượu được chia thành 3 mức độ:
Mức độ nhẹ: Say rượu mức độ nhẹ thấy ngưỡng cảm giác giảm, rối loạn chú ý, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, hiểu biết xung quanh rất khó khăn, khả năng phê phán giảm, khí sắc dao động và thường là tăng, hay nổi khùng, dễ bị kích thích, thậm chí rất hung bạo.
Các triệu chứng trên thường phối hợp với rối loạn vận động và rối loạn ngôn ngữ. Khi có biểu hiện say rượu mức độ nhẹ thường xử trí tại nhà. Cho bệnh nhân nằm ngủ trên giường, ủ ấm, uống nước chè pha đường nóng. Bệnh nhân đi vào giấc ngủ dài, sau ngủ dậy sẽ tỉnh táo.
Mức độ trung bình: Sau rượu mức độ trung bình rối loạn chú ý nặng hơn, bệnh nhân hay đãng trí, tri giác thiếu chính xác và sai thực tại. Quá trình hoạt động trí tuệ diễn ra với nhịp độ chậm hơn trước. Xuất hiện tư duy thiếu logic. Các ham thích cũ vượng lên đặc biệt là hoạt động tình dục.
Nổi bật trong giai đoạn này và hành vi hung bạo, tấn công và thường gây gổ, đánh nhau gây nhiều phiền phức cho xung quanh. Xuất hiện các rối loạn phối hợp vận động làm cho bệnh nhân đi lại loạng choạng và khó nói. Ở mức độ này thường điều trị tại trạm xá. Gây nôn cho bệnh nhân bằng các kích thích vật lý (ngoáy họng bằng lông gà, móc họng…) hoặc apomorphin. Cho uống nước chè đường nóng.
Cố định bệnh nhân tại giường. Dùng vitamin B1 tiêm bắp. Có thể thay thế vitamin B1 bằng các chế phẩm khác có chứa vitamin B1 như vitamin 3B…Vitaplex truyền tĩnh mạch 30 giọt/phút. Vitaplex có chứa vitamin B1, glucoza, điện giải nên thích hợp cho điều trị các bệnh nhân say rượu. Không được dùng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ vì dễ gây ức chế hô hấp.
Mức độ nặng: Say rượu mức độ nặng được biểu hiện bằng trạng thái chóang váng ngày càng tăng. Những giấc ngủ sâu kéo dài hơn. Trong nhiễm độc rượu nặng có thể gây ra trạng thái bán hôn mê hoặc hôn mê kèm theo các rối loạn cơ thể nặng.
Nhiều trường hợp cần phải rửa dạ dày, trợ tim mạch và hô hấp. Trường hợp say rượu nặng nên điều trị tại bệnh viện. Cố định bệnh nhân tại giường, ủ ấm, rửa dạ dày, hút đờm rãi, thở ôxy. Bệnh nhân cần được truyền dịch để ổn định huyết áp, nuôi dưỡng và thải độc, cho vitamin B1.
Nếu cần phải cho lợi tiểu. Cần theo dõi chặt mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, lượng nước tiểu, ý thức của bệnh nhân. Cần chú ý phát hiệu các biến chứng do say rượu.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng của người nghiện rượu do bị xơ gan. Khi ngưng uống rượu, tức là ngừng đưa chất cồn độc hại vào cơ thể, nên gan không phải tiếp tục khử độc chất cồn, nghĩa là gan được nghỉ ngơi. Gan không tiếp tục bị tổn thương thêm nên khả năng hồi phục của gan rất cao. Ngày càng có nhiều bệnh nhân bị loạn thần do rượu.
Vài vấn đề cần chú ý khi uống rượu để cải thiện tình trạng say rượu, giảm gánh nặng cho gan khi uống rượu:
Trước khi uống rượu
Ăn lòng trắng trứng gà: lòng trắng giàu loại protein khiến cồn trong rượu bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt lượng cồn hấp thu vào máu. Mặt khác, nó còn giúp tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
Ăn đậu xanh hoặc uống nước vỏ đậu xanh: đậu xanh là loại thực phẩm có khả năng phân hủy các loại độc tố rất tốt. Theo Đông y, đậu xanh bổi bổ nguyên khí, làm mát gan, giải được nhiều thứ độc.
Uống chút giấm, nước chanh đường hay các loại quả chua: các acid này có thể giúp trung hòa một số alcochol trong rượu.
Trong khi uống rượu
Trong mâm rượu, ngoài các món đồ nhắm nên có một số món ăn giúp giải độc chất cồn như: củ cải trắng, rau cải trắng, rau cần, cam quýt, dâu tây, chanh, các món ăn chế biến từ đậu xanh… Bạn không nên chỉ uống suông mà cần ăn nữa, kèm thêm các món vừa kể.
Sau khi uống rượu, bạn tự mình phục vụ hoặc chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh hoặc nếu quá say thì nhờ người nhà áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:
Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.
Trà búp 5g, quất khô 16g, thái vụn. Hai thứ hãm với nước sôi uống.
Pha một cốc bột sắn có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng giúp cho gan tham gia đào thải độc tố.
Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.
Ăn các sản phẩm chế từ đậu xanh, hoặc giã 5-10g đậu xanh cả bỏ, pha đường uống.
Giấm ăn 60g, đường 15g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.
Chanh tươi 1 quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng, ăn cả quả càng tốt.
Vỏ quýt phơi khô 30g, có thể sao thơm; mơ chua 2 quả, cho vào khoảng 300ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống, thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.
Ngoài ra còn có thể dùng thêm: uống nước cháo loãng, uống nước mía, nước cà chua, nước khổ qua ép, nước cóc ép, nước chè xanh nóng…
Các biện pháp trên chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào tác hại của rượu. Điều quan trọng nhất là bạn cần biết làm chủ bản thân để không uống quá nhiều.
Giới thiệu bài thuốc qua kinh nghiệm dân gian và điều trị hiệu quả lâm sàng cải thiện tình trạng viêm gan, xơ gan giai đoạn đầu do rượu và viêm nhiễm khác ảnh hưởng đến hoạt động chức năng gan: Hoàng kỳ 20g, Diệp hạ châu 20g, Nhân trần 16g, Chỉ tử 16g, Đương quy 12g, Nhân sâm 12g, Linh chi 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống mỗi ngày.
Say rượu nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cách uống và tính chất thực phẩm ăn kèm theo. Cùng một lượng rượu nếu uống từng ngụm nhỏ lai rai theo bữa ăn thì ít say hơn tu một hơi cạn chén. Thức ăn giàu chất đạm: thịt cá (protein) có tác dụng làm rượu vào máu lâu hơn là uống rượu “nhắm” với các chất đường bột (glocid).
Thực tế, không có một phương pháp y học hay kinh nghiệm dân gian thần diệu nào có thể giúp cơ thể hoàn toàn không bị ảnh hưởng trực tiếp sau khi dùng bia, rượu.
Các nhà nghiên cứu người Mỹ mới phát hiện ra rằng, một lọai chất được chiết xuất từ vỏ trái nho có thể chống lão hóa và chất chống oxi hóa có thể làm giảm viêm nhiễm, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường type 2 ở người.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng uống từ một tới hai cốc rượu mỗi ngày rất có tác dụng với “đời sống chăn gối” của người phụ nữ đặc biệt là rượu đỏ. Chúng giúp kích thích ham muốn tình dục và có lợi cho sức khỏe.
Rượu chỉ nên dùng trong khai vị, cúng tế, làm thuốc, không nên lạm dụng.
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ – Y học phổ thông
Trả lời