Khó khăn trong việc điều trị béo phì ở trẻ
Điều trị béo phì ở trẻ không hề dễ dàng, và nếu không cẩn thận, trẻ suy dinh dưỡng sau một thời gian điều trị cũng có thể bị béo phì.
Ảnh chỉ mang tính minh họa – Ảnh: PHÙNG HUY
Theo TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thống kê tại TP.HCM vào năm 2010 cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi bị nhẹ cân chiếm khoảng 6,8%, thể thấp còi chiếm 7,8% và khoảng 10,9% trẻ bị béo phì. Điều trị béo phì ở trẻ không hề dễ dàng, và nếu không cẩn thận, trẻ suy dinh dưỡng sau một thời gian điều trị cũng có thể bị béo phì.
Trẻ có mức tăng trưởng mạnh nên nếu chúng ta áp dụng chế độ ăn kiêng của người lớn sẽ làm trẻ không lớn và trở nên thấp lùn. BS Hạnh khuyên: “Quan trọng đối với trẻ béo phì là không áp dụng chế độ ăn cưỡng ép trẻ giảm cân. Chúng ta sẽ cố gắng giữ mức cân không thay đổi trong nhiều năm, suốt thời gian trẻ phát triển, hạn chế tăng cân. Bên cạnh đó, muốn tăng chiều cao cho trẻ, chúng ta cũng phải bổ sung đủ chất. Năng lượng ăn vào phải đủ để trẻ tăng trưởng, không cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều năng lượng “rỗng” như: bánh kẹo, nước ngọt, các loại snack, thậm chí đôi khi còn phải hạn chế các trái cây ngọt (nhãn, vải, xoài chín…) vì tạo ra nhiều năng lượng khi cơ thể tiêu thụ”.
Về nhóm thực phẩm chất béo, tùy theo tình trạng, lứa tuổi của trẻ, mà hạn chế các loại béo no trước, như: thịt mỡ, da động vật (da của gia cầm), phủ tạng động vật. Tuy nhiên, một số chất béo rất cần cho trẻ, đặc biệt là từ cá. BS Minh Hạnh tư vấn: Thông thường trẻ bị béo phì có khuynh hướng ăn rất nhiều. Vì vậy, tinh bột (sinh ra chất đường) chỉ được cho ăn vừa phải. Cần lưu ý, trong giai đoạn phát triển, trẻ vẫn cần đạm từ thịt nạc. Vì vậy, chúng ta nên giảm lượng cơm trẻ ăn hàng ngày bằng cách, thức ăn phải được nấu lạt, khiến trẻ có thể ăn nhiều rau, hoặc thức ăn khác như cá, thịt và ăn ít cơm.
Ngoài ra, phải tập cho trẻ ăn chậm, nhai kỹ giúp thức ăn có thời gian vào dạ dày, được hấp thu vào máu, và luân chuyển tín hiệu “đã bắt đầu no” lên não. Nếu trẻ ăn quá nhanh, tín hiệu chưa kịp truyền đi, trẻ đã ăn no căng bụng. Điều sai lầm của các bà mẹ là không cho trẻ bị béo phì uống sữa. Trẻ vẫn cần sữa nhưng chúng ta có thể cho trẻ uống sữa tách béo, không đường.
Đối với trẻ dưới năm tuổi, đặc biệt là với trẻ từ hai tuổi trở xuống, nếu tăng cân quá nhanh phải đến BS để được tư vấn cụ thể, không được tự ý bắt trẻ kiêng ăn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ trong những năm tháng đầu đời.
TRẺ SUY DINH DƯỠNG CŨNG CẦN VẬN ĐỘNG
Kèm với chế độ dinh dưỡng, những trẻ béo phì cần được vận động đến toát mồ hôi như chạy, nhảy, bơi lội, đá banh… ít nhất 60 phút/ngày. Để thành công, cả gia đình phải tham gia vào quá trình điều trị, từ thực đơn giống nhau đến các trò chơi vận động. Cả nhà không nên uống nước ngọt khi cấm trẻ không được đụng đến, tủ lạnh đừng chứa nhiều đồ ăn ngọt, trái cây nhiều đường như sầu riêng, bánh kem… mà trẻ thích.
Trẻ gầy cũng được khuyến khích vận động, để tiêu hao năng lượng, và ăn. Vận động giúp hệ cơ xương khớp phát triển và trẻ tăng trưởng. Trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu nhiều chất, vì vậy, cần được tắm nắng sáng để cơ thể hấp thụ canxi và vitamin D tốt hơn. Cha mẹ cần chế biến và khuyến khích trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Trẻ suy dinh dưỡng thường biếng ăn; trẻ sẽ không ăn được một bữa trọn vẹn như người lớn mong muốn.
BS Minh Hạnh nói: “Trẻ thường cảm thấy no ngang, mau ngán. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta gần như phải chuẩn bị một bữa “buffet” cho trẻ. Trẻ có thể chỉ ăn nửa chén cơm, nên cha mẹ sẽ thêm món ăn dặm như hũ sữa chua, hoặc một chén hoành thánh, 1/2 cái bánh bao, một lát bánh mì có phết bơ hay phô mai, xúp cua… Trong trường hợp biếng ăn, trẻ cần phải uống sữa nguyên kem và những chất giàu năng lượng, bằng cách thêm chất béo vào khẩu phần ăn của trẻ”.
Ngoài chế độ ăn, trẻ suy dinh dưỡng phải được bổ sung vi chất để vừa tăng cân vừa đảm bảo tăng chiều cao theo đúng lứa tuổi. Cần lưu ý, nhiều bà mẹ đưa con đi khám rất đều đặn khi trẻ bị suy dinh dưỡng. Sau khi được BS hướng dẫn chế độ ăn để điều trị suy dinh dưỡng, bà mẹ đã giúp con lên cân rất tốt, và không đi tái khám, hậu quả là một thời gian sau, trẻ bị béo phì. Cho nên, khi trẻ suy dinh dưỡng bắt kịp một trẻ bình thường, chế độ ăn điều trị bệnh cần phải được điều chỉnh lại. Lúc đó, khẩu phần ăn không cần quá giàu năng lượng.
Theo BS Minh Hạnh, gầy ốm ở trẻ còn vì tiêu hao dưỡng chất qua một số bệnh lý, như viêm họng kéo dài, tiêu chảy, nhiễm giun sán. Vì vậy, các bệnh lý này cần phải được điều trị dứt điểm và tẩy giun định kỳ. Trẻ suy dinh dưỡng còn phải được chú ý ngủ đủ, tâm lý thoải mái, không bị ức chế.
(Theo Phụ nữ TPHCM)
Trả lời