Không nên coi thường bệnh thoát vị đĩa đệm
Mang vác sai động tác, ngồi không đúng tư thế, tập thể dục sai động tác là nguyên nhân cơ bản gây nên thoát vị đĩa đệm.
Cả đời làm việc quần quật trên các công trường, ông Nguyễn Minh Lê (Bình Trị Đông, Bình Thạnh, TPHCM) chẳng mấy khi ốm. Mang vác nặng thường xuyên mà cũng chẳng mấy khi mỏi lưng đau cột sống. Vậy mà mới đây, nghỉ hưu mấy năm, ông chỉ ngồi đọc báo, chăm cây cảnh thì cột sống lại hay làm phiền ông bằng những cơn đau. Nghĩ chắc già rồi, cũng nên đôi khi thấy ốm, chứ ai khỏe mãi, ông cũng chủ quan.
Nhưng gần đây những cơn đau kéo dài, liên tục, lan xuống hông, chân thì ông Lê mới chịu đi khám. Ông ngỡ ngàng khi bác sĩ kết luận đó là thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Ông thắc mắc cả đời làm nặng nhọc mà thoát thì có lẽ về già nghỉ ngơi sẽ không bị bệnh đó. Bác sĩ giải thích, bệnh của ông có thể do tư thế ngồi không đúng làm tổn thương, để lâu quá nên giờ khó chữa nội khoa, đành phải phẫu thuật. Ông thầm tiếc: “Giá như mình không chủ quan mà đi khám sớm!”.
Thế nào là thoát vị đĩa đệm?
Giữa những đốt sống trong cột sống được chêm bởi những đĩa nhỏ, tròn dẹt. Vỏ ngoài đĩa dai bao bọc chất nhầy bén giúp cột sống mềm dẻo dễ uốn nên được ví như cái giảm sốc. Khi chúng bị chấn thương chúng có thể mòn rách, phình hoặc vỡ ra hết chức năng khiến cột sống đau, cứng, “chậm chạp”. Lúc đó gọi là thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm xảy ra ở bất cứ phần nào của cột sống nhưng 90% xảy ra ở thắt lưng.
Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra do thoái hóa tự nhiên, tai nạn hoặc do hoạt động không đúng cách, ngồi sai tư thế. Thay vì ngồi xuống từ từ mang vác đồ bạn lại cúi gập người đột ngột khiến đĩa đệm tổn thương. Tư thế ngồi vặn vẹo cột sống cũng là nguyên nhân khiến đĩa giảm sốc mất chức năng.
Khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau tê từ cột sống đến hông, hai vai, cánh tay, bàn tay.
Nếu bị ở đốt sống cổ, người bệnh đau vùng vai gáy, mất cảm giác dần xuống vùng cổ tay, bàn tay. Còn bệnh xảy ra với những đĩa đệm vùng thắt lưng thì cảm giác đau tăng lên khi nằm nghiêng, ho và đại tiện. Đau tê lan dần xuống vùng mông, chân, bàn chân, giảm khả năng uốn mình, cúi thấp khó khăn.
Chữa trị thoát vị đĩa đệm cột sống
Thoát vị đĩa đệm không khó chữa nếu phát hiện sớm. Phần lớn không cần phẫu thuật mà chỉ uống thuốc điều trị. Khả năng khỏi và phục hồi lao động khá nhanh. Nhưng phần lớn người bệnh khi thấy triệu chứng đau thì vẫn gắng chịu và chỉ đến bệnh viện khi không chịu được nữa. Do đó lúc này bác sĩ phải chỉ định mổ. Có thể mổ hở hoặc mổ ít xâm lấn. Bệnh nhân rất nhanh bình phục, hai ngày có thể đi lại bình thường, sáu tháng thì phục hồi lao động.
Theo Sức khỏe gia đình
Trả lời