Lối sống ảnh hưởng ra sao đến bệnh tim mạch
Cần nhận biết sớm những thói quen này trước khi quá muộn để có thể phòng ngừa, thay đổi nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác hại do chúng đem lại.
Lối sống của chúng ta tác động rất nhiều đến sự hình thành và diễn tiến của bệnh tim mạch.
Trong nhịp sống hối hả hiện nay, thời buổi mà mọi người dường như sống nhanh, sống vội hơn, dễ dàng bị cuốn theo vào vòng xoáy của cuộc sống, chúng ta dễ mắc phải những thói quen không tốt cho hệ tim mạch.
Cần nhận biết sớm những thói quen này trước khi quá muộn để có thể phòng ngừa, thay đổi nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác hại do chúng đem lại.
Mặc dù tác hại của việc hút thuốc đã được phổ biến rộng rãi, thế mà vẫn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người phì phèo nhả khói thuốc ở những nơi công cộng, quán cà phê, công viên, bến xe…
Nhiều tình trạng và bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu não, phình động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại biên… đều tăng nguy cơ ở người hút thuốc. Đó là chưa kể đến hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ cao của bệnh ung thư, bệnh phổi… Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Dự báo vào năm 2030, con số này có thể tăng lên đến 70.000.
Bỏ hút thuốc giúp giảm đáng kể nguy cơ tim mạch. Một điều cần hết sức lưu ý là dù không hút thuốc nhưng nếu hít phải khói thuốc, nghĩa là hút thuốc thụ động, cơ thể vẫn tiếp độc chất. Không hút thuốc là quan trọng rồi, nhưng quan trọng không kém là cần tuyệt đối không để hít phải khói thuốc từ người khác.
Thói quen ăn uống không hợp lý
Nhịp sống hối hả, bận rộn hiện nay khiến nhiều người có những thói quen ăn uống không tốt như ăn vặt, ăn quá nhanh, bỏ bữa, sử dụng thực phẩm ăn liền (nhiều chất béo, ít chất xơ)… Những thói quen này dễ gây béo phì và đưa vào cơ thể các thực phẩm không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch. Bên cạnh đó, có nhiều người quen với việc ăn mặn, thường nêm nếm nhiều muối trong thức ăn, sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn (thường có nhiều muối). Ăn quá mặn sẽ làm huyết áp tăng lên, làm tăng giữ nước trong cơ thể, tạo gánh nặng cho tim của người suy tim.
Một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng sẽ giúp giảm nguy cơ tim mạch. Lượng muối ăn vào trong một ngày của người lớn nên ít hơn 2,3g (khoảng một muỗng cà phê) vàcủa người tăng huyết áp nên ít hơn 1,5g. Cần giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn xuống dưới 300mg/ngày với người lớn sức khỏe bình thường và dưới 200mg/ngày với người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc mắc bệnh tim mạch. Nên ăn nhiều thức ăn từ các nguồn thực vật như trái cây, rau củ, đậu, hạt… Đồ ngọt có nhiều đường và chất béo bão hòa nên chỉ dùng một vài lần trong một tuần.
Ít vận động
Trong đời sống hiện nay, thói quen tập thể dục không được rèn luyện, công việc bận rộn, làm việc ở văn phòng, giải trí bằng xem phim, đi cà phê tán gẫu, chiều chiều tụ họp “chén chú chén anh”, ôm laptop lướt web, xem tivi hàng giờ… là những nguyên nhân phổ biến khiến cho con người ít khi vận động.
Việc không thường xuyên vận động khiến năng lượng trong cơ thể không được sử dụng, từ đó làm tăng nguy cơ gặp các tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Các vấn đề trên đều là những yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch.
Để tốt cho sức khỏe tim mạch, Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người bình thường nên vận động ở cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, hoặc 75 phút/tuần nếu vận động với cường độ nặng. Đơn giản hơn, cứ nhớ rằng nên tập thể dục 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày trong tuần. Cũng có thể chia ra, tập 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 10 – 15 phút. Bên cạnh thời gian tập luyện, việc tập luyện thường xuyên, đều đặn là một yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả tốt.
Uống nhiều rượu bia
Hiện nay, bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, bất kể dịp gì, đều có thể dễ dàng bắt gặp cảnh mọi người “dzô dzô” uống rượu bia. Thống kê cho thấy với 3 tỉ lít rượu bia tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Mức tiêu thụ trung bình rượu bia trong một năm của nam giới người Việt là 27,4 lít, gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu.
Có nhiều tác hại của việc lạm dụng rượu với hệ tim mạch đã được ghi nhận. Uống rượu nhiều làm suy giảm chức năng cơ tim, tăng nồng độ cholesterol “xấu” trong máu là triglycerid, gây tổn thương thận và thành mạch máu, đưa đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó, rượu là thức uống giàu năng lượng, uống nhiều dẫn đến béo phì, mắc bệnh đái tháo đường. Rượu còn có thể gây ra rối loạn nhịp tim;người ta đã đặt tên “hội chứng trái tim trong ngày lễ” (Holiday heart syndrome) cho tình trạng rối loạn nhịp tim sau khi uống nhiều rượu trong dịp lễ, hội, nghỉ cuối tuần.
Hội Tim mạch Mỹ đã khuyến cáo rằng không nên bắt đầu uống rượu nếu chưa từng uống rượu; nếu đã có uống rượu thì nên giới hạn ở mức độ ít và vừa phải. Cho dù uống rượu với lượng ít nhưng uống thường xuyên và lâu dài cũng không tốt cho sức khỏe.
Thường xuyên bị stress
Hiện nay, stress phổ biến đến mức được coi là một “đại dịch” mà mỗi người không thể hoàn toàn tránh khỏi được. Stress không phải là yếu tố nguy cơ trực tiếp của bệnh tim mạch, tuy nhiên, nó là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống.
Cần tránh để bị stress, nếu không, ngày qua ngày, stress sẽ âm thầm, lặng lẽ, dần dần làm hao mòn sức khỏe và hệ tim mạch của chúng ta. Tập thể dục, chơi thể thao, có thái độ sống tích cực, không hút thuốc, không uống rượu bia, cà phê quá nhiều, có chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng lý tưởng, sống vui khỏe, dành thời gian bên gia đình… là những phương thức hiệu quả giúp đương đầu với stress.
Trả lời