Mỗi bể bơi chứa 60 lít nước tiểu: Nguy cơ viêm tai mũi họng khi đi bơi hồ bơi công cộng
Khi trẻ từng bị viêm tai giữa sau khi đi bơi, bác sĩ Mạnh khuyến cáo cha mẹ nên đeo nút tai cho con. Đi bơi về cần vệ sinh tai sạch sẽ.
Mùa hè nhu cầu bơi lội cao tuy nhiên bể bơi cũng là nơi khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nhất là vùng tai mũi họng.
Thông tin mới đây được nhiều nhà nghiên cứu từ Đại học Alberta (Canada) công bố khiến nhiều người giật mình. Theo đó, khi nghiên cứu đo lường 31 bể bơi cả ở khách sạn lẫn trung tâm thể thao, kết quả cho thấy trung bình mỗi bể bơi công cộng chứa 60 lít nước tiểu.
Các nhà nghiên cứu nhận định rất khó để giữ sạch nước bể bơi. Khảo sát cũng cho thấy một phần năm người bơi lội đi tiểu trong bể bơi ít nhất một lần. Vận động viên bơi lội Rebecca Adlington, Ryan Lochte và Michael Phelps cũng thừa nhận từng đi tiểu vào bể bơi.
So với toàn bộ lượng nước trong bể bơi, tỷ lệ nước tiểu là rất nhỏ, chỉ khoảng 0,0009%, tương tự một giọt dầu trong chai nước 500ml. Tuy nhiên, nước bể bơi chứa nước tiểu là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển, gây hại đến sức khỏe người đi bơi.
Thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh đang làm việc tại một bệnh viện tư ví dụ như trường hợp của bé Nguyễn Cao M. 8 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội. Từ cuối tháng Tư bé được mẹ cho đi học bơi. Sau khi học bơi về bé thường xuyên bị đau tai, viêm tai. Khi bé bị sốt kèm theo đau tai, chảy dịch đi khám bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa.
Bé M. có tiền sử viêm tai giữa, mẹ bé điều trị cho con bằng thuốc đông y không thấy bé kêu đau tai nữa, nghĩ con khỏi nên chủ quan.
Bác sĩ Mạnh cho biết, với đa số các trẻ màng nhĩ bình thường thì không gây viêm tai bởi vì tai giữa và tai ngoài ngăn cách với nhau bởi màng nhĩ, nước không thể thấm qua màng nhĩ vào tai giữa gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Mạnh cũng có một số trường hợp trẻ có thể bị viêm tai giữa do đi bơi.
Theo bác sĩ Vũ Toàn Mạnh, viêm tai giữa ở trẻ thường là hậu quả của viêm mũi họng do vi khuẩn có thể từ mũi họng qua vòi nhĩ (lỗ thông tai giữa với vùng vòm mũi họng) lên tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Những trẻ có viêm tai giữa tái đi tái lại nếu hay bị viêm mũi họng sau khi đi bơi thì không nên đi bơi vì nguy cơ viêm tai giữa tái phát rất cao.
Khi trẻ từng bị viêm tai giữa sau khi đi bơi, bác sĩ Mạnh khuyến cáo cha mẹ nên đeo nút tai cho con. Đi bơi về cần vệ sinh tai sạch sẽ.
Khi trẻ có các dấu hiệu ngứa mũi, nhảy mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mũi đục vàng hoặc xanh. Trẻ không ngửi được mùi; mệt mỏi, sốt; nhức đầu, đau nhức vùng má, vùng trán… đây là dấu hiệu viêm mũi xoang.
Những nhiễm trùng từ mũi xoang có thể đi theo vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp với triệu chứng: Ù tai, giảm thính lực; đau tai (trẻ thường ôm tai khóc hoặc khóc thét khi có ai đó sờ vào tai trẻ); đôi khi sốt và tiêu chảy; sau đó vài ngày, nếu không được điều trị, mủ sẽ ứ trong tai giữa gây thủng màng nhĩ và chảy ra ngoài.
Ngoài ra, khi đi bơi trẻ còn có nguy cơ viêm tai ngoài sau bơi như nhiễm trùng da ống tai ngoài sau khi tiếp xúc với nước bẩn với các triệu chứng như: ngứa tai; ù tai, giảm thính lực; ống tai viêm sưng đỏ, đau tai ngày càng tăng, nhất là khi sờ vào tai, khi ngáp hoặc khi nhai nuốt (trẻ thường ôm tai khóc); sốt, đôi khi có mủ chảy ra từ tai.
Để phòng bệnh, bác sĩ Mạnh khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đến những bể bơi công cộng đảm bảo vệ sinh, tránh những bể bơi quá nhỏ hoặc quá đông người. Tránh đưa trẻ đến ao, hồ để bơi vì nhưng nơi đó không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho các cháu. Cha mẹ trang bị cho trẻ nút tai trong khi bơi là cách để tránh nước vào tai.
Trả lời