Nam giới và căn bệnh tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là tình trạng không thể kiểm soát được nước tiểu, hiện tượng này có thể gặp ở cả 2 giới nhưng phần lớn ở nam giới đã phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc những phụ nữ có bệnh ở cơ quan tiết niệu sinh dục. Đa số các trường hợp bị tiểu không tự chủ đều có cảm giác buồn tiểu liên tục và không thể kiềm chế được. Dưới đây là một số thông tin về căn bệnh này cho nam giới, mời bạn đọc cùng quan tâm theo dõi.
Nguyên nhân khiến nam giới bị tiểu không tự chủ
Có nhiều nguyên nhân khiến nam giới bị tiểu không tự chủ, hay gặp nhất là do ảnh hưởng sau phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt hoặc sau phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, tiểu không tự chủ còn là triệu chứng ở một số nam giới bị tiểu đường, đột quỵ, xơ hóa rải rác …
Đôi khi, tiểu không tự chủ ở nam giới có nguyên nhân không rõ ràng, chẳng hạn như có vấn đề ở bàng quang, có thể là một số trường hợp như sau:
Bàng quang co thắt không đúng thời điểm hoặc co thắt quá mạnh khiến nước tiểu bị thoát ra ngoài.
Cơ quanh niệu đạo bị tổn thương hay bị yếu, nước tiểu có thể bị thoát ra kể cả khi không có vấn đề gì về bàng quang (không bị bàng quang co thắt không đúng thời điểm hoặc co thắt quá mạnh).
Khi đi tiểu không hết, bàng quang vẫn còn nước tiểu. Điều này làm nước tiểu nhanh đầy trong bàng quang. Nếu quá đầy trong bàng quang, nước tiểu có thể tự thoát ra ngoài.
Nếu có một lý do nào đó làm nghẽn tắc đường tiểu ra khỏi bàng quang (bướu tiền liệt tuyến chẳng hạn), nước tiểu ứ đọng nhiều trong bàng quang, đến một lúc nào đó cũng sẽ tự rò ra ngoài.
Tiểu không tự chủ ảnh hưởng tới sức khỏe nam giới không?
Tùy theo sức khỏe của từng người nhưng nói chung tiểu không tự chủ gây phiền phức cho người bệnh, người bị tiểu không tự chủ luôn luôn lo lắng, ngại dự buổi họp hoặc ngại vào siêu thị mua đồ. Nhiều người bị mất hứng thú với công việc, với thú tiêu khiển có từ trước. Thậm chí nghiêm trọng hơn có nhiều người nghĩ mình là người không bình thường, họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, rồi một số ông chồng không còn thích thú sinh hoạt chăn gối. Nhiều sự thay đổi cộng lại với nhau tạo nên stress, trầm cảm, mà trầm cảm lại có thể làm cho tình trạng tiểu không tự chủ ở nam giới nặng hơn.
Về công việc :Người bệnh bị tiểu không tự chủ sẽ luôn phải lo lắng về sự bất hạnh trong sức khỏe mà họ gặp phải. Có thể vì vậy mà họ khó mà tập trung vào công việc được.
Trong cuộc sống riêng: Vì không thể kiểm soát được nước tiểu nên tâm lý người bệnh luôn muốn ở gần nhà vệ sinh, họ dễ từ chối mọi đề nghị đi dã ngoại, đi xem phim, đi chơi thể thao… Suy nghĩ này sẽ làm cho cuộc sống riêng của người bị tiểu không tự chủ ngày một nghèo nàn hơn.
Trong vấn đề tình dục : Tiểu không tự chủ ở nam giới làm cho người bệnh thấy bất tiện trong sinh hoạt tình dục. Với sự lo lắng sẽ ra nước tiểu trong lúc giao hợp làm người bệnh phải giới hạn hay thậm chí không còn muốn giao hợp với bạn tình nữa.
Giấc ngủ. Sự căng thẳng về tiểu không tự chủ sẽ làm cho một số bệnh nhân khó ngủ. Thấm chí, người bệnh còn phải ra ngoài liên tục để đi vệ sinh trong đêm khiến giấc ngủ của họ không còn được trọn vẹn.
Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới
Tùy theo từng trường hợp khác nhau mà người bệnh được tư vấn theo phác đồ điều trị khác nhau. Cách điều trị chủ yếu là người bệnh tăng cường tập thể dục, kết hợp với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, ít trường hợp cần đến phẫu thuật. Bên cạnh điều trj, người bệnh cũng cần làm một số việc để thay đổi lối sống. Trong nhiều trường hợp , thay đổi lối sống có thể giúp để kiểm soát được tiểu không tự chủ. Những biện pháp thay đổi lối sống là:
Không dùng thức uống có chất caffeine (cà phê và trà), không dùng thức uống có gas, không uống rượu.
Khẩu phần ăn có nhiều chất xơ để tránh táo bón.
Không hút thuốc lá.
Kiểm soát cân nặng để có được một thể trạng lý tưởng (BMI trong khoảng 18,5 đến 25).
Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa niệu hay vật lý trị liệu để tập những bài tập cơ sàn chậu. Dễ dàng tập luyện nhất là bài tập Kegel để giúp cơ chậu khỏe mạnh, điều trị tiểu không tự chủ, đặc biệt là tiểu không tự chủ do căng thẳng. Người bệnh có thể bắt đầu bài tập Kegel bằng cách giả vờ như đang cố gắng ngưng tiểu, giữ cho sự co thắt cơ vùng chậu như thế trong mười giây, sau đó thả lỏng trong mười giây, sau đó lặp lại bước thứ 2 vài lần nữa. Tiếp tục tập luyện như vậy nhiều lần trong ngày. Người bệnh nên tập luyện bài tập này trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang ngồi, đang đọc báo hay đang tán gẫu ….Ngoài ra, người bệnh cũng nên cố gắng tập đi tiểu vào những giờ nhất định, nên mặc những loại quần áo dễ thay.
Trả lời