Ngoài là nguyên liệu nấu ăn, quả bí đao còn là bài thuốc giải nhiệt cơ thể
Quả bí đao là là loại rau quả không còn xa lạ với người Việt Nam. Bí đao thường được dùng chế biến thành các món canh, rau thông dụng trong bữa ăn hàng ngày. Bí đao làm mứt cũng đặc biệt được người Việt yêu thích trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trong y học cổ truyền, bí đao cũng là bài thuốc hữu ích với nhiều công dụng trị bệnh. Theo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, bí đao có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, thanh nhiệt, tiêu viêm. Vỏ quả bí đao vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm tiêu thũng, giải nhiệt. Hạt bí đao lại có tác dụng kháng sinh, tiêu độc trừ giun.
Trong Đông y, quả và vỏ bí đao thường được dùng để chữa tiểu rắt, tiểu đục, mụn nhọt với liều từ 30 đến 40g quả tươi sắc uống hoặc nấu ăn. Lá tươi giã nát, xào với giấm để đắp là bài thuốc chữa chín mé đầu ngón tay. Hạt bí đao chữa ho, giải độc và trị rắn cắn. Ở nước láng giềng Campuchia, người ta dùng rễ bí đao nấu nước tắm để trị bệnh đậu mùa.
Một số bài thuốc có bí đao trong y học dân gian:
– Chữa tiểu không thông do bàng quang nhiệt, tiểu đục do chất nhầy: Vỏ bí đao sắc đặc uống nhiều lần.
– Chữa phù thũng, cả thân mình, mặt, mắt đều phù (2 bài thuốc):
+ Bí đao, hành củ nấu với cá chép để ăn.
+ Bí đao tươi 40g, đậu đỏ 40g, sắc uống hàng ngày.
– Chữa ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng: Hạt bí đao sao vàng, bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ (để sống), diếp cá, mỗi vị 40g; rễ lau 20g cùng hạt đào, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc uống hàng ngày.
Trả lời