Nguy cơ bệnh cột sống do đau lưng kéo dài
Bà Châu bị đau lưng hơn chục năm qua, uống và tiêm nhiều loại thuốc nhưng không hết. Gần đây một chân bị liệt, bà đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết phải phẫu thuật giải ép cột sống mới chữa khỏi.
Bà Phan Thị Châu 62 tuổi ở quận 9, TPHCM, bị đau lưng hơn chục năm qua nhưng nghĩ là bệnh của người già nên chỉ mua thuốc uống để giảm đau. Gần đây những cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều và dữ dội, một bên chân tê liệt không đi lại được nữa, bà Châu mới đến cơ sở y tế khám và chụp MRI.
Trực tiếp điều trị trường hợp này là TS.BS Võ Xuân Sơn. Bác sĩ cho biết bà Châu bị đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, cần phải phẫu thuật mới cải thiện được. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp mổ giải ép, ghép xương, đặt dụng cụ cột sống có bổ sung xi măng (omega) cho bệnh nhân. Một ngày sau mổ, bà Châu được y tá tập cho vận động phù hợp. Đến nay sức khỏe bà đã cải thiện rõ rệt, một bên chân bị liệt đã có thể tập tễnh bước đi.
Cuộc mổ trượt đốt sống hoặc hẹp ống sống phải đạt được mục tiêu giải phóng tất cả các cấu trúc chèn ép ra khỏi hệ thống thần kinh
Mục đích của phẫu thuật điều trị bệnh cột là giải phóng tất cả các cấu trúc chèn ép ra khỏi hệ thống thần kinh. Ảnh:Võ Xuân Sơn
BS Sơn giải thích: Dây thần kinh tọa (hay thần kinh ngồi) là dây thần kinh to nhất của cơ thể, do các rễ thần kinh của vùng thắt lưng hợp lại thành. Nó chạy dọc theo mặt sau mông, đùi xuống chân. Đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra, đôi khi kèm theo tê, yếu chân hoặc teo cơ. Bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác như hẹp ống sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm, viêm thần kinh tọa, u thần kinh tọa… Trong trường hợp này, mổ giải ép trở thành chỉ định bắt buộc khi có thương tổn thần kinh thể hiện bằng triệu chứng yếu cơ, teo cơ, giảm hoặc mất cảm giác.
BS Sơn khuyên mọi người không nên chủ quan khi bị đau lưng kéo dài bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý cột sống. Nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh sẽ trở nặng hơn, việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Trước đây bệnh cột sống được xem là vấn đề của người già, nhưng gần đây nhiều người trẻ cũng mắc phải.
Điển hình như trường hợp anh Trương Hữu Phước, 38 tuổi, ở Bình Chánh, TPHCM, sau 10 năm chịu đựng những cơn đau lưng tái phát, lan xuống mông và chân gây tê, anh mới đến bệnh viện khám và chụp MRI. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thoát vị 4 đốt sống, phải phẫu thuật.
Sau khi được mổ nội soi, anh Phước đã giảm 90% cảm giác đau lưng và tê ở mông, chân. 4 tiếng đồng hồ sau mổ, bệnh nhân được cho mang nẹp lưng và tập đi lại. Đến nay anh đã có thể co duỗi lưng, chân bình thường và đi được. Bác sĩ khuyên bệnh nhân nên duy trì thói quen sinh hoạt, vận động hàng ngày, nhưng phải kiêng sau mổ khoảng 4 đến 6 tuần mới có thể chơi thể thao mạnh được.
Theo TS Sơn, thoái hóa cột sống là yếu tố chính gây ra thoát vị đĩa đệm, từ đó sinh ra gai cột sống, đau thần kinh tọa. Thoái hóa cột sống còn có thể gây ra đau lưng, cổ hoặc đau thần kinh tọa mà không cần phải có thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra tình trạng này còn là nguyên nhân của một số bệnh khác, tất cả được gọi chung là bệnh lý thoái hóa của cột sống.
Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng là nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa. Nếu thoát vị xảy raở cổ, bệnh nhân được chẩn đoán “hội chứng cổ – vai – tay” hoặc một tên gọi nào đó tương tự. Nhìn chung, mỗi tên bệnh đều có ý nghĩa riêng của nó. Hiện nay việc sử dụng những tên gọi này còn chưa thống nhất dễ làm cho bệnh nhân bối rối.
Để phòng ngừa bệnh tái phát, bác sĩ khuyên mọi người nên thường xuyên vận động, duy trì tập luyện thể thao đều đặn, đặc biệt là môn bơi lội. Nên sống trong một môi trường trong sạch; sử dụng thực phẩm, thuốc đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, tránh ngồi lâu một chỗ, kiểm soát cân nặng ở mức BMI cho phép, đừng cơ thể để bị béo phì. Những cách này sẽ giúp cho cột sống khỏe hơn.
Theo Tấn Kính – VnExpress
Trả lời