Nguyên nhân gây khàn tiếng kéo dài

Khàn tiếng là rất thường gặp trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Theo y học cổ truyền, bị khàn tiếng vào mùa xuân thường do gió (phong). Khi cơ thể nhiễm gió, đặc biệt là gió lạnh, rất dễ gây khàn tiếng. Mùa hè nóng khô khốc cũng dễ bị khàn tiếng. Mùa thu hanh hao, gió heo may về cũng có thể làm cho ta khàn tiếng và cuối cùng mùa đông với những cơn mưa dầm dề, khí hậu lạnh lẽo, ẩm thấp là thời điểm gây khàn tiếng phổ biến nhất.

Nhìn chung, khi bị cảm (cảm lạnh, cảm nóng, cảm do gió, cảm do ẩm thấp…), người ta thường bị khàn tiếng. Hầu như mọi người trong cuộc đời, ít nhất cũng có một vài lần bị khàn tiếng.

Theo y học hiện đại, nguyên nhân phổ biến nhất của khàn tiếng là bị cảm do siêu vi trùng làm viêm họng, phù nề thanh quản và gây khàn tiếng. Tuy nhiên sự khàn tiếng do cảm thường xảy ra rất nhanh, rầm rộ, có thể làm cho người mất hẳn tiếng nói. Và sự phục hồi thường rất nhanh chỉ sau một vài ngày đến một tuần, dù chẳng điều trị gì cũng hết hẳn.

Nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách thì càng bớt nhanh hơn. Một số trường hợp đặc biệt, cơ thể yếu gầy, suy nhược, sức đề kháng kém, hiện tượng cảm và khàn tiếng có thể kéo dài đến vài tuần, có khi cả tháng. Nhưng dù sao đi nữa, những trường hợp bệnh nhân bị khàn tiếng do cảm cúm, viêm họng, viêm thanh quản thông thường, đều được điều trị khỏi. Tiếng nói phục hồi lại hoàn toàn, không để lại di chứng gì cả.

Chính điều này làm cho người bệnh dễ chủ quan, cho rằng bệnh khàn tiếng không có gì và không cần đi khám bệnh. Đó là quan niệm rất sai lầm, có thể chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng.

Tại sao tiếng bị khàn?

Tiếng nói được tạo ra khi có luồng không khí từ phổi đẩy lên (lúc đang hít vào, chúng ta không thể nói thành tiếng được). Khi đi ngang qua vùng họng, luồng không khí này làm rung động hai dây thanh đang khép kín ở thanh quản và tạo ra âm thanh. Nhờ vậy chúng ta có thể cười, nói, la hét, ca hát…, thể hiện mọi cảm xúc thông qua âm thanh từ họng.

images

Trong trường hợp hai dây thanh bị viêm, phù nề, thâm nhiễm do lao hoặc các tế bào ung thư… làm chúng khép không kín, đóng không đều hoặc bị liệt… thì tiếng nói bị khàn, rè, bị giọng đôi… Mức độ khàn từ nhẹ đến nặng, cho đến khi không còn nói ra tiếng được nữa.

Nếu bị nhiều tuần mà không rõ nguyên nhân. Chúng ta phải đi khám với các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có chẩn đoán chính xác. Một số trường hợp, các bác sĩ phải dùng những kỹ thuật hiện đại mới có thể chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây khàn tiếng. Có một số nguyên nhân gây khàn tiếng không phải do cảm cúm thông thường mà chúng ta cần phải biết để phòng bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

Sẽ rất sai lầm khi bị khàn tiếng kéo dài mà chủ quan nghĩ đó chỉ là cảm cúm thông thường. Người bệnh cần phải đi khám bệnh chuyên khoa để có chẩn đoán xác định, đồng thời điều trị những bệnh chứng nguy hiểm nếu có.

Nhìn chung, có hai nguyên nhân chủ yếu gây khàn tiếng: bị tổn thương tại thanh quản, đặc biệt là hai dây thanh; và tổn thương hệ thần kinh chi phối giọng nói, bao gồm một số bối cảnh lâm sàng phổ biến sau:

(1) Viêm hai dây thanh: Viêm có thể cấp tính với những triệu chứng ho đau họng, họng bị viêm đỏ, hai dây thanh viêm đỏ phù nề và khàn tiếng. Nếu điều trị đúng phương pháp, bệnh sẽ khỏi hẳn trong một thời gian ngắn.

Nếu không, bệnh sẽ kéo dài và trở thành viêm họng, thanh quản mạn tính rất khó điều trị. Đây là bệnh lý thường xuất hiện ở những người làm nghề phải nói nhiều, nói lớn tiếng như bán hàng, tiếp thị, giáo viên, ca sĩ…

(2) Hạt xơ xuất hiện trên dây thanh làm cho hai dây thanh đóng không kín. Người bệnh có giọng nói nặng nề, khàn, nói phải gắng sức nên thường hụt hơi mệt mỏi.

(3) Nang nước dây thanh. Đó là những khối hình cầu màu trắng đục, nằm dưới niêm mạc của dây thanh, cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, đồng thời người bệnh còn có cảm giác vướng vướng ở họng, nên cứ phải khạc hoài mà không có đàm nhớt gì cả!

(4) Các u lành tính của thanh quản như u xơ, polype… Khi chúng xuất hiện trên các dây thanh cũng gây tình trạng khàn tiếng. Nếu u hoặc polype khá to, gây chèn ép, có thể kèm theo tình trạng khó thở.

(5) Lao thanh quản. Thường gặp ở những bệnh nhân đã bị lao phổi hay lao hạch trước đó. Những tổn thương lao và các hạt lao trên dây thanh cùng với hiện tượng loét sụn phễu và các dây thanh, làm cho bệnh nhân bị khàn tiếng dần dần và đôi khi có giọng đôi. Bệnh tiến triển nặng có thể mất tiếng hoàn toàn, nuốt rất đau đớn, không ăn uống được, người gầy sút, mệt mỏi và suy sụp.

(6) Tổn thương dây thần kinh quặt ngược. Đây là hai nhánh của dây thần kinh sọ não số 10. Chúng được tách ra từ ngực rồi quặt ngược lên để chi phối hai dây thanh âm. Khi những nhánh dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, hai dây thanh cũng sẽ bị tổn thương và có giọng nói khàn.

(7) Ung thư dây thanh. Người bệnh bị khàn tiếng ngày càng tăng không đáp ứng với điều trị. Ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân. Khối u lớn, có thể gây đau khi nuốt và nếu chèn vào khí quản sẽ gây khó thở. Có thể phát hiện những hạch cổ khi khối u đã di căn.

Trên đây là một số bệnh chứng gây khàn tiếng phổ biến. Cũng cần nhớ rằng có rất nhiều trường hợp gây khàn tiếng khác nữa mà chúng ta cần biết để điều trị kịp thời như: khàn tiếng do liệt dây thanh đơn độc hoặc do những bệnh lý u não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não. Khàn tiếng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh ung thư như ung thư thực quản, khí quản, tuyến giáp trạng, trung thất…

Chỉ với một triệu chứng khàn tiếng, nhưng có biết bao nhiêu nguyên nhân gây ra. Nhìn chung, khàn tiếng thường là triệu chứng của những căn bệnh lành tính. Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm khi bị khàn tiếng kéo dài mà chủ quan nghĩ đó chỉ là cảm cúm thông thường, hoặc do nói nhiều, uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá…!

Người bệnh cần phải đi khám bệnh chuyên khoa để có chẩn đoán xác định, đồng thời điều trị những bệnh chứng nguy hiểm nếu có, ở vùng thanh quản và những cơ quan lân cận, càng sớm càng tốt.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
The Gioi Cay Thuoc

Cùng Danh Mục :

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Hotline 24H Mua Hang Online