Trong gan thường chứa một ít mỡ nhưng nếu lượng mỡ nhiều hơn 5-10% trọng lượng của gan thì có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.
Theo phân loại dựa trên sinh thiết gan, gan nhiễm mỡ được chia thành 3 mức độ: loại nhẹ (hàm lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan); loại vừa (hàm lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan); loại nặng (hàm lượng mỡ trên 30% trọng lượng gan). Đóng vai trò là trung tâm chuyển hoá của cơ thể, gan là nơi chuyển hóa và dự trữ chất béo.
Các chất béo hấp thụ qua ruột sẽ “tập trung” tại gan để được tổng hợp thành tryglycerid, photpholipid, cholesterol este và lipoprotein đưa đến các bộ phận khác trong cơ thể. Do vậy, khi lượng mỡ trong cơ thể quá “dồi dào” hoặc rối loạn chuyển hóa tại gan thì chất béo lắng đọng tại bộ phận nhiều lên và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Những nguyên nhân khiến gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ do thừa cân, béo phì: Những người thừa cân, béo phì thường có thói quen ăn uống vượt quá nhu cầu của cơ thể. Khi đó “phần thừa” sẽ được chuyển hóa thành mỡ để dự trữ năng lượng. Mỡ “tập trung” dưới da gây nên béo phì, “lang thang” trong máu gây chứng mỡ máu cao và lắng đọng tại gan gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Theo thống kê, người béo bụng, béo phì có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao gấp 4-5 lần so với những người bình thường.
Gan nhiễm mỡ do uống nhiều bia rượu: Chất cồn trong bia rượu tuy không tạo ra năng lượng, cũng không chuyển hóa thành chất béo tại gan, nhưng lại là tác nhân làm “nhiễu sóng” chuyển hóa mỡ tại gan. Thời gian uống và lượng cồn trong bia rượu tỷ lệ thuận với lượng mỡ trong gan. Gan nhiễm mỡ do rượu bia thường đi kèm với những tổn thương tại gan (tạo thành các vết sẹo) khiến bệnh dễ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan…
Gan nhiễm mỡ do nguyên nhân khác: Có rất nhiều thuốc có thể gây nhiễm mỡ cho gan nếu không được sử dụng đúng chỉ định, hoặc sử dụng liều cao kéo dài như corticoid, amiodarone… Ngoài ra, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gút… cũng làm tăng nguy cơ thâm nhiễm mỡ tại gan và gây nên bệnh gan nhiễm mỡ mãn tính, khó điều trị.
Giai đoạn đầu, bệnh gan nhiễm mỡ thường không có biểu hiện rõ ràng nên mọi người dễ bỏ qua. Những biểu hiện thường gặp như mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu… khiến nhiều người chỉ nghĩ là ốm thông thường. Đến khi tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, làm cho gan “béo nhanh”, bề mặt gan căng ra thì bạn có cảm giác đau tức hoặc nặng ở vùng hạ sườn phải. Kéo theo đó là men gan tăng cao, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn như vàng da, mụn nhọt, ngứa, dị ứng, mề đay…
Sự thâm nhiễm mỡ ở gan kéo dài làm giảm quá trình “tiêu hủy” acid béo ở gan, tế bào gan bị “biến dạng” và chức năng gan bị suy giảm. Người bị gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ như xơ gan, thậm chí là ung thư gan…
Phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không đáng lo ngại. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ ăn uống mới hoặc chương trình tập luyện. Năng lượng cá nhân và chế độ ăn uống phụ thuộc vào tuổi tác, chiều cao, cân nặng hiện tại, mức độ hoạt động, giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ và sự hiện diện của các điều kiện sức khỏe khác như có mắc các bệnh tiểu đường, cholesterol cao… hay không.
Khi phát hiện gan nhiễm mỡ, người bệnh không nên quá lo lắng, chỉ cần thực hiện chế độ ăn uống “vừa đủ”, nói không với bia rượu và nên bổ sung các sản phẩm bổ gan có nguồn gốc từ thảo dược.
Theo VnExpress
Trả lời