Nguyên nhân và cách điều trị chứng ù tai
Hiện tượng ù tai có thể liên quan đến các bệnh ở tai như viêm tai giữa, xơ hóa tai, xốp xơ tai, nhiễm độc tai, tắc nghẽn ống tai ngoài do nhiều ráy tai…
Ù tai là một tình trạng rối loạn chức năng nghe làm cho bệnh nhân nghe thấy những âm thanh lạ như tiếng ngân vang, tiếng ong vo ve trong khi thực tế không hề có những âm thanh này.
Theo thống kê, có khoảng 10-15% dân số nước ta bị chứng ù tai nặng đến mức phải điều trị y tế. Tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi, riêng nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới. Tình trạng ù tai kéo dài gây ảnh hưởng về mặt tâm lý cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nhiều người mất ăn mất ngủ vì ù tai.
Lâu dần sẽ dẫn đến mất khả năng thính giác, không còn nghe thấy các tiếng động xung quanh. Kèm theo đó, ù tai gây ra nhiều biến chứng như: chóng mặt, mất ngủ, đau đầu, mất tập trung, suy giảm trí nhớ…
Nguyên nhân gây ù tai
Hiện tượng ù tai có thể liên quan đến các bệnh ở tai như viêm tai giữa, xơ hóa tai, xốp xơ tai, nhiễm độc tai, tắc nghẽn ống tai ngoài do nhiều ráy tai… Tình trạng phình mạch hay có khối u chèn ép trong não, sử dụng thuốc, chấn thương ở đầu cũng là những nguyên nhân gây ù tai. Những người tiếp xúc thường xuyên với nhiều tiếng ồn, hoặc do tiến trình thoái hóa của tuổi cũng dễ bị chứng ù tai kèm theo mất thính giác.
Đôi khi do stress tâm lý hay thể xác (ví dụ sau phẫu thuật), các bệnh lý của thần kinh tiền đình hay của các vùng não tiếp nhận tiếng động, rối loạn khớp hàm, thoái hóa cột sống cổ, phình động mạch cảnh, bệnh lý mạch máu gây ù tai dạng mạch đập (xơ vữa động mạch, cao huyết áp, rò động-tĩnh mạch lân cận)… cũng gây ù tai.
Điều trị
Để việc điều trị có hiệu quả, người bị ù tai nên đi khám tại chuyên khoa Tai – Mũi -Họng ở các bệnh viện để tìm ra nguyên nhân. Với các nguyên nhân ù tai như tắt ống tai, viêm tai mãn tính, việc giải quyết các nguyên nhân nêu trên có thể giúp làm mất đi hiện tượng ù tai, chẳng hạn như làm sạch ráy tai, điều trị viêm tai giữa, viêm tai ngoài…
Những bệnh nhân ù tai do bệnh lý thần kinh, phình động mạch, do khối u chèn ép trong não… trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp những thông tin về tiền sử bệnh, và tiến hành thăm khám nhằm phát hiện những dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Với quy trình chẩn đoán và điều trị liên chuyên khoa, các bác sĩ của khoa Tai – Mũi – Họng sẽ phối hợp cùng bác sĩ các chuyên khoa khác để tìm ra giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Những trường hợp nặng có thể được chỉ định phẫu thuật như loại bỏ khối u vùng đầu cổ, nền sọ, phẫu thuật xương bàn đạp và tai giữa cho những trường hợp ù tai kèm mất thính lực nhằm phục hồi khả năng nghe cho bệnh nhân.
Theo Một thế giới
Trả lời