Nguyên nhân và cách phòng bệnh nhiễm khuẩn đường ruột
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khá da dạng và diễn biến không đơn giản với 5 giai đoạn: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, tái phát và hồi phục.
Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh thường lây lan trong thời tiết mùa hè, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Vậy nguyên nhân và cách phòng chữa sự lây lan của căn bệnh như thế nào?
1. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột
Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên, trẻ em và người già dễ mắc bệnh hơn do độ toan của dạ dày thấp và tình trạng miễn dịch cơ thể họ yếu hơn những người trưởng thành khỏe mạnh. Những người đã bị cắt đi một phần dạ dày, những người bị suy giảm miễn dịch khi mắc các bệnh ung thư hay xơ gan… cũng dễ mắc bệnh.
Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột lây nhiễm theo đường tiêu hóa do thức ăn bị ô nhiễm, chẳng hạn như hải sản, thủy sản được đánh bắt từ sông hồ bị ô nhiễm, hoặc do vệ sinh ăn uống không đảm bảo như ăn đồ thiu, đồ sống, không rửa tay trước khi ăn, ăn thức ăn bị ruồi nhặng, chuột bọ gặm nhấm, hoặc nguồn nước sử dụng không bảo đảm chất lượng… từ đó dễ bị nhiễm khuẩn Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn cấp; trực khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn và nhiễm độc ăn uống; phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây bệnh tả.
2. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khá da dạng và diễn biến không đơn giản với 5 giai đoạn: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, tái phát và hồi phục.
– Chúng ta có thể nhận biết bệnh này qua một số triệu chứng cơ bản: Người bệnh đau bụng, mót rặn, đại tiểu tiện nhiều, lỏng (nhiều lúc phân thối, kèm theo nước nhiều, lẫn thức ăn chưa tiêu, hoặc có máu, nhầy). Người bệnh bị sốt và có các triệu chứng thường đi kèm như gai người, rét và nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị sốt cao, co giật, mê sảng, rối loạn nước và điện giải, trụy tim mạch, huyết áp tụt, hôn mê và tử vong.
– Có trường hợp nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn, bệnh nhân không sốt, không có dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh trung ương nhưng bị liệt các cơ hô hấp và sẽ có nguy cơ tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
3. Cách điều trị bệnh
Để điều trị bệnh, cần chống mất nước và điện giải (tùy theo mức độ của bệnh) và dùng các thuốc đặc trị tùy theo nguyên nhân gây bệnh như nhóm thuốc quinolon (điều trị lỵ trực khuẩn), metronidazol (điều trị lỵ amíp), tetracyclin (điều trị bệnh tả).
4. Cách phòng tránh và vệ sinh hàng ngày
Là bệnh nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng khó lường nhưng bệnh nhiễm khuẩn đường ruột có thể phòng chống được.
– Về mặt các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương:cần nâng cao công tác tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, chú ý bảo vệ và cải tạo môi trường (bảo đảm cung cấp nước sạch và an toàn, xử lý vệ sinh chất thải, xây dựng hệ thống cống rãnh hợp lý…), đồng thời các ban, ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát nghiêm túc yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là nguồn thực phẩm trong mùa hè nắng nóng.
– Với cá nhân từng gia đình:
+ Để phòng bệnh mọi người cần ăn chín, uống nước sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, chỉ uống sữa đã tiệt khuẩn, tránh để thức ăn bị nhiễm bẩn lại sau khi đã nấu chín.
+ Nếu gia cầm, gia súc nuôi mắc bệnh cần phải được điều trị kháng sinh, người tiếp xúc nên mặc quần áo bảo hộ, đi giày dép vào chuồng trại. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi chúng.
+ Nên thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu bàn tay sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng tiệt khuẩn.
+ Các chất thải của người và gia cầm, gia súc, vật nuôi phải được tập trung ở những khu cách ly với nơi sinh sống, không chỉ để tránh phát tán các vi khuẩn gây viêm ruột mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
+ Nếu có người bị nhiễm bệnh, cần đưa đi đến các cơ sở y tế, tránh tự ý dùng kháng sinh vì dễ gây ra kháng thuốc và khó khăn cho điều trị khi bệnh tái phát hoặc mắc phải bệnh nhiễm khuẩn khác có chỉ định dùng kháng sinh.
Tổng hợp
Trả lời