‘Nhấc lên – đặt xuống’ là phương pháp luyện ngủ không tốn nhiều nước mắt
Khi đồng hồ cơ thể của bé trưởng thành, bạn sẽ hiểu thêm về cơ chế ngủ của bé và khi nào thì bé mệt. Sau đó bạn có thể phát triển một lịch trình ngủ dựa trên nhịp sinh học của bé của mình. Điều quan trọng là phải có một giờ đi ngủ cố định và phù hợp vào ban ngày và ban đêm, để bé dần quen và tạo thành ‘giấc’ khi đến giờ đó mỗi ngày.
Đây là phương pháp luyện ngủ không mất quá nhiều nước mắt của con và cũng không khiến mẹ căng thẳng, rất đáng để các mẹ thử đấy!
Các bà mẹ phương Tây luôn có những cách rất độc đáo để việc làm mẹ trở nên dễ dàng hơn, đồng thời để giúp các bé sớm hình thành tính tự lập. Một trong số đó là phương pháp luyện cho bé tự đi vào giấc ngủ mà không ‘mè nheo’. Kỹ thuật này gói gọn trong bốn từ ‘nhấc lên-đặt xuống’.
Theo nghiên cứu từ hai cộng đồng mạng đông đảo và uy tín nhất tại Vương quốc Anh là Netmums và Madeformums, kỹ thuật luyện ngủ cho trẻ là một phương pháp được áp dụng phổ biến mà tác giả Tracy Hogg đã chia sẻ trong cuốn sách làm cha mẹ nổi tiếng của mình ‘The Baby Whisperer’.
Bé được trấn an mỗi khi bế lên (Ảnh minh họa).
Và chính xác như cái tên đó – nếu bé nhà bạn khóc trong cũi trong khi đang có giấc ngủ ngắn ban ngày hoặc giấc ngủ tối, thì bạn chỉ cần nhấc bé lên, vỗ về bé rồi bạn lại nhẹ nhàng đặt bé xuống. Nếu bé vẫn quấy khóc thì bạn lặp lại vòng vừa rồi tới khi bé ngủ trở lại. Đây là một phương pháp có thể áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi khác nhau của các bé, (3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi,…), giấc ngủ sinh học của bé, thói quen đi ngủ (bé thích nghe nhạc hoặc hát ru,…) nhưng quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần phải kiên trì.
Điều kiện thực hiện phương pháp luyện ngủ ‘nhấc lên – đặt xuống’
Giờ đi ngủ phù hợp
Khi đồng hồ cơ thể của bé trưởng thành, bạn sẽ hiểu thêm về cơ chế ngủ của bé và khi nào thì bé mệt. Sau đó bạn có thể phát triển một lịch trình ngủ dựa trên nhịp sinh học của bé của mình. Điều quan trọng là phải có một giờ đi ngủ cố định và phù hợp vào ban ngày và ban đêm, để bé dần quen và tạo thành ‘giấc’ khi đến giờ đó mỗi ngày.
Không gian ngủ lý tưởng
Hãy giữ cho không gian yên tĩnh khi giờ đi ngủ tối đến, đó sẽ là dấu hiệu bé biết rằng đêm đến rồi… là lúc đi ngủ. Hát ru, hạn chế mọi loại màn hình (như tắt tivi, tắt điện thoại,…) và để ánh sáng đèn ngủ vừa đủ, điều này sẽ bước đầu giúp bé bước vào quá trình luyện ngủ.
Đặt bé xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn tỉnh táo
Đặt bé xuống khi bé buồn ngủ nhưng vẫn tỉnh táo. Theo dõi dấu hiệu bé buồn ngủ: ngáp, dụi mắt, cáu kỉnh, khó chịu… Việc đặt bé xuống khi bé còn thức nhưng đang buồn ngủ sẽ giúp bé quen với chiếc nôi của mình, như là mỗi khi buồn ngủ thì sẽ nằm trong nôi chứ không phải trong vòng tay bố mẹ.
Hãy đặt bé vào cũi khi bé có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn tỉnh táo (Ảnh minh họa).
Các bước thực hiện
1. Nếu bé nhà bạn khóc, hãy đặt bé xuống và nhẹ nhàng xoa ngực bé, vỗ về để bé dịu lại với âm thanh ‘shhhhh’ hoặc một từ khóa nào đó mà bạn muốn, miễn là để bé quen với âm thanh đó mỗi khi buồn ngủ và hiểu rằng ‘Đến giờ đi ngủ rồi’.
2. Nếu bé không trấn tĩnh được, bế bé lên và dỗ tiếp bằng từ khóa bạn đã dùng.
3. Khi bé ngưng khóc, nhưng vẫn thức, đặt bé trở lại cũi. Nếu bé bắt đầu khóc khi bạn đang đặt bé xuống, hãy cứ để bé nằm hẳn trong cũi đã.
4. Nếu bé vẫn khóc, bế bé lên. Lặp lại quá trình này tới khi bạn thấy những dấu hiệu bé đã dịu lại (như là bé khóc yếu đi).
5. Khi bạn thấy bé đã dần dịu đi thì không nhấc bé lên nữa. Cứ để bé trong cũi, đưa tay vào cũi vỗ về bé và kêu khẽ ‘shhhh’ hoặc một âm thanh nào đó của riêng bạn.
6. Rời khỏi phòng.
7. Nếu bé khóc trở lại, tiếp tục lặp lại quá trình này cho đến khi bé hoàn toàn ngủ.
Cách này sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bạn đợi bé thực sự ngủ rồi mới đặt xuống. Bé sẽ dần tự ngủ mà không cần vỗ về.
Sau nhiều lần nhấc lên, đặt xuống, bé sẽ học được cách tự đưa mình vào giấc ngủ (Ảnh minh họa).
Ưu và nhược điểm
Ưu điểm
– Nhẹ nhàng để bé làm quen.
– Thực hiện dễ dàng, không quá căng thẳng vì tiếng con khóc.
Nhược điểm:
– Có thể mất nhiều thời gian mỗi tối, thậm chí mất tới hàng tuần mới thành công.
– Khom lưng nhiều (do nhấc bé lên rồi lại đặt xuống) có thể khiến bạn hơi khó chịu.
Một số lưu ý với trẻ từng độ tuổi
Trẻ 4 tháng tuổi
– Chỉ giữ bé tối đa 5 phút. Nếu bé không dịu lại trong khoảng thời gian đó thì cứ đặt bé xuống rồi mới tiếp tục nhấc bé lên.
– Giữa mỗi lần nhấc lên – đặt xuống, cố gắng dỗ bé khi bé ở trong cũi bằng cách vừa vỗ về bé vừa kêu ‘sshhh’.
Với bé khoảng 5-6 tháng tuổi
– Hãy chú ý hơn những dấu hiệu ngủ của bé: Nếu bé cong lưng, có thể đó là dấu hiệu bé muốn nằm xuống ngay cả khi bé vẫn đang khóc.
– Thông báo hành động của mình bằng cách nói ‘Để mẹ/ba bế con nào’ Hoặc ‘Con nằm xuống nhé’.
– Giảm thời gian bạn bế bé, chỉ giữ bé tối đa 3 phút rồi đặt xuống, ngay cả khi bé đang khóc.
Với trẻ 6-8 tháng
– Đừng vội nhấc bé lên. Thay vào đó, nói với bé rồi xem bé phản ứng ra sao. Ví dụ, chìa tay ra và nói ‘Mẹ/ba bế con nhé’, nếu bé chạm vào bạn thì hãy bế bé lên.
– Khi bạn đón bé lên, có thể giữ bé ở trong tầm cũi và nói từ khóa của bạn. Rồi đặt bé xuống ngay khi bé đã dịu lại mà không cần nhấc hẳn ra khỏi cũi.
– Chú ý xem bé có thoải mái khi được vỗ về vào ngực hay lưng không. Nếu không, cần chọn cách khác.
Với trẻ 8-12 tháng
Từ giai đoạn này bé có thể tự ngủ khá nhanh trong cũi. Như vậy, trừ khi bé thực sự khó chịu nếu không bạn nhớ đừng nhấc bé ra vội.
– Đặt bé xuống: Nếu bé đang đứng hoặc cố nhoài người dậy, nhẹ nhàng đặt bé xuống, có thể quay vào trong để bé không nhìn thấy bạn
– Sử dụng giọng nói: Bé của bạn sẽ bắt đầu nhận biết giọng nói, ví dụ ‘Đến giờ ngủ rồi con’.
– Chú ý phương pháp ‘rút lui từ từ’. Vì từ độ tuổi này, ‘nhấc lên – đặt xuống’ cần thực hiện một cách từ tốn.
Trả lời