Nhiễm khuẩn đường mật là bệnh gì ?
Nhiễm khuẩn đường mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường dẫn mật trong gan hoặc ngoài gan.
Sự thường gặp
Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi, có hơn 50% số người trên 75 tuổi mắc bệnh sỏi mật.
Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam 2,4 lần.
Những người có tiền sử giun chui ống mật hoặc sỏi mật dễ mắc bệnh.
Ở Việt Nam, do kinh tế ngày càng phát triển, sỏi túi mật thường gặp nhiều hơn, do đó các biến chứng do sỏi gặp ngày càng nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh: Nguyên nhân viêm đường mật chia thành hai nhóm lớn:
Do vi trùng có thể phân lập được:
– Coli: 70-80%
– Trực khuẩn Friedlander, thương hàn, liên cầu, tạp khuẩn…
Không do vi khuẩn: Các yếu tố thuận lợi gây tắc cơ giới đường mật, từ đó gây ứ mật, viêm nhiễm.
– Sỏi mật/
– U của bóng Vater.
– Dị dạng đường mật, sau giun chui ống mật.
Triệu chứng nhiễm trùng đường mật
Các triệu chứng lâm sàng
Đau hạ sườn phải: đau dữ dội, lan lên ngực lên vai phải có khi vừa đau HSP, vừa đau thượng vị. Cơn đau thường xuất hiện về đêm, kéo dài từ 1 đến 5 giờ.
Sốt: sốt nóng 39-400 C, rét run vã mồ hôi.
Vàng da: da vàng, niêm mạc vàng, nước tiểu đậm màu.
Tam chứng: đau bụng- sốt- vàng da. Tuy nhiên trên thực tế có những bệnh nhân không có đầy đủ các triệu chứng này.
Toàn thân và thực thể
– Mệt mỏi, ăn không tiêu, ngứa toàn thân.
– Buồn nôn và nôn.
– Điểm túi mật đau, dấu hiệu Murphy (+).
Các triệu chứng xét nghiệm
Xét nghiệm máu
Tăng bạch cầu trong máu, tăng nhiều bạch cầu trung tính.
Tăng nhẹ transaminase, amylase, phosphatase kiềm trong huyết thanh.
Bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp tăng nhiều, tuy nhiên trong trường hợp không có sỏi trong ống mật chủ, bilirubin toàn phần có thể trong giới hạn bình thường.
CRP, procalcitonin tăng.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp Xquang ổ bụng: Ít có giá trị chẩn đoán sỏi đường mật nhưng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác.
Siêu âm ổ bụng: Siêu âm có độ nhạy 84-97% trong chẩn đoán sỏi mật. Ưu điểm của siêu âm là có thể phát hiện sỏi mật ở những bệnh nhân thể trạng yếu, nôn hoặc suy chức năng gan và cùng lúc cho biết tình trạng của một số cơ quan khác.
Chụp CT ổ bụng: Phương pháp này tốt hơn siêu âm trong nhận định các thương tổn ngoài gan và cho phát hiện các sỏi calci, sỏi kích thước nhỏ. Chụp CTOB chẩn đoán vị trí sỏi đường mật trong và ngoài gan, nhất là sỏi ống mật chủ đoạn thấp chính xác hơn siêu âm . Giúp chẩn đoán phân biệt sỏi mật và các nguyên nhân gây vàng da khác như ung thư đường mật, ung thư đầu tuỵ, ung thư bóng vater…
Chụp mật tuỵ ngược dòng qua nội soi (ERCP): là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán: Trên phim chụp ERCP thấy rõ toàn bộ cây đường mật và ống tuỵ. Phương pháp này vừa giúp chẩn đoán và điều trị bệnh lý sỏi đường mật, giun trong OMC. Tuy nhiên, đây là phương pháp gây xâm hại và có biến chứng như: chảy máu khi cắt cơ Oddi, thủng tá tràng, viêm tuỵ cấp…
Chụp cộng hưởng từ đường mật- tuỵ (MRCP): Đây là phương pháp không xâm hại và có khả năng dựng hình được đường mật. MRCP có thể so sánh được với ERCP trong việc phát hiện sỏi mật, hơn CT và siêu âm. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng sỏi mật rõ, OMC giãn, có sỏi: nên làm ERCP để lấy sỏi đường mật, bằng cắt cơ vòng Oddi sớm, kịp thời.
Chẩn đoán xác định nhiễm trùng đường mật
Dựa vào 3 triệu chứng
Đau HSP kiểu đau quặn gan.
Sốt: nóng rét, vã mồ hôi.
Vàng da từng đợt khi vàng da vẫn sốt.
Xét nghiệm máu: Bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp tăng, bạch cầu máu tăng, máu lắng tăng, CRP, procalcitonin tăng.
Siêu âm ổ bụng, Chụp cắt lớp ổ bụng: giúp chẩn đoán được nguyên nhân.
Biến chứng nhiễm trùng đường mật: NTĐM do sỏi có tỷ lệ biến chứng cao hơn không có sỏi. Các biến chứng thường gặp:
Thấm mật phúc mạc: sốt cao, vàng da rõ. Phản ứng co cứng thành bụng. Mạch nhanh, huyết áp tụt. Tiên lượng nặng.
Túi mật to doạ vỡ, hoại tử túi mật: cần phải mổ cấp cứu
Viêm mủ đường mật và áp xe đường mật
Chảy máu đường mật
Shock nhiễm trùng đường mật
Viêm tuỵ cấp: hay gặp do giun chui ống mật,ống tuỵ, sỏi gây chít hẹp vào cơ Oddi
Điều trị bệnh nhiễm trùng đường mật
Chế độ ăn cho bệnh nhân nhiễm trùng đường mật
Bệnh nhân cần ăn nhẹ , thức ăn dễ tiêu.
Nên uống các loại nước có tính lợi mật như nước nhân trần, actiso…
Thuốc điều trị triệu chứng
Giảm đau dùng: chống viêm không steroid, paracetamol.
Chống co thắt dùng: giãn cơ trơn như papaverin, spasmaverin, meteospamyl.
Thuốc lợi mật dùng sorbitol, actisô như chophytol, phytol.
Thuốc KS điều trị nhiễm khuẩn
Nên dùng thuốc theo kháng sinh đồ, nếu chưa có KSĐ nên bắt đầu điều trị phối hợp cefoperazol kết hợp với metronidazol đường tĩnh mạch.
Điều trị ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa có vai trò chính trong nhiễm trùng đường mật và các biến chứng của nó, thường được chỉ định trong hai trường hợp:
Viêm đường mật do sỏi
Trong trường hợp có sỏi đường mật đơn thuần, tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước sỏi, thái độ điều trị như sau:
Lựa chọn trước tiên: ERCP lấy sỏi.
Nếu người bệnh có chống chỉ định ERCP hay ERCP thất bại: mở ống mật chủ lấy sỏi qua nội soi.
Nếu người bệnh có chống chỉ định mổ nội soi (vết mổ cũ) hay mổ nội soi thất bại: mổ mở, mở ống mật chủ lấy sỏi.
Viêm đường mật có biến chứng
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có cách xử trí cho phù hợp. Việc giải quyết nguyên nhân chỉ nên được thực hiện khi toàn trạng người bệnh cho phép.
Cách phòng chống bệnh nhiễm trùng đường mật
Phòng chống hình thành sỏi mật, giúp giảm nguy cơ NTĐM. Bốn cách phòng chống đơn giản:
Thứ nhất, người bệnh cần hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol là lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật như tim, gan, óc…
Thứ hai, cần tăng vận động cho đường mật để tăng tống sỏi. Các thực phẩm làm tăng vận động mật là các thực phẩm làm tăng vận động cơ đường mật và nhu động ruột. Sữa, gói thuốc bột MgSO4, rau quả là những thứ có tác động làm tăng vận động đường mật rõ rệt.
Thứ ba, cần tăng thêm liều thuốc vận động cho cơ thể. Vận động làm tăng hoạt động cơ, làm tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ. Nó rất có hiệu quả làm mạnh mẽ sức khoẻ hệ tiêu hoá và giảm hẳn nguy cơ sỏi mật tái phát.
Thứ tư, chúng ta cần duy trì đủ 3 bữa/ngày. Vì mật được tiết ra liên tục, nếu chúng ta ăn đủ 3 bữa/ngày thì sẽ không có cơ hội cho mật lắng đọng.
Theo bệnh
Trả lời