Những biện pháp phòng bệnh xương khớp cho người già
Chế độ ăn uống lành mạnh, vận động đúng cách, tập khí công, không lạm dụng thuốc giảm đau… giúp xương khớp người già khỏe mạnh hơn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), có khoảng 150 bệnh khớp (thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm cột sống dính khớp, đau dây thần kinh tọa, gút…).
Trong đó, hai bệnh phổ biến là viêm khớp dạng thấp chiếm 0,3-1% dân số thế giới, còn thoái hóa khớp xuất hiện ở 9,6% nam giới và 18% phụ nữ trên 60 tuổi. 80% những người bị thoái hóa khớp gặp khó khăn khi vận động và 25% không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Cơ thể lão hóa, cùng với các yếu tố nguy cơ như môi trường ô nhiễm, lao động nặng nhọc, thời tiết thất thường, chấn thương… là những nguyên nhân dẫn tới bệnh đau nhức xương khớp ở người già.
Sau 30 tuổi, phần sụn khớp bị lão hóa, khiến các khớp xương hoạt động không còn trơn tru. Càng lớn tuổi, các chất sụn này càng bị mài mòn, đầu khớp thiếu chất đệm sẽ cọ vào nhau và gây ra chứng đau nhức.
Bệnh xương khớp gây ra nhiều trở ngại trong vận động và sinh hoạt của người già.
Đau là triệu chứng đầu tiên của bệnh lý xương khớp. Nếu viêm xương khớp ở vai gáy, người bệnh thường thấy cơn đau lan xuống một bên cánh tay, sờ vào da thấy lạnh, cơ ở vùng cổ bị co cứng, quay đầu khó khăn, toàn thân mệt mỏi, kém vận động.
Triệu chứng của đau khớp ở gót chân là nhức buốt trong gót chân, đau tăng khi giá lạnh, nhìn bên ngoài không thấy sưng, nhưng sờ bàn chân và cẳng chân thì thấy lạnh, bàn chân có cảm giác tê bì, hạn chế đi lại.
Đối với đau nhức do thoái hóa khớp, biểu hiện thường bao gồm đau lưng, ù tai, ngủ ít, nước tiểu trong, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần…
Khi bệnh mới khởi phát, cơn đau chỉ xuất hiện ở một vài khớp, thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh có thể đau nhiều khớp cùng lúc hoặc toàn thân, đau khi cử động nhẹ và không dứt dù được nghỉ ngơi. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn tới tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh lý xương khớp có thể điều trị và dự phòng bằng cách điều chỉnh cân nặng, tránh dư cân béo phì; bổ sung canxi, vitamin D và vitamin C (sữa, cam, ớt, cà chua…) vào khẩu phần ăn hàng ngày của người cao tuổi. Tránh mang vác sai tư thế và các động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay…
Ngoài ra, người già nên củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần bằng cáchoạt động giao lưu, các bài tập không dùng thuốc nhưng có hiệu quả cao như khí công, thái cực quyền. Không nên lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm khi cơn đau nhức quá sức chịu đựng, nhằm tránh các tác dụng phụ như giòn xương, phù nề tay chân, ảnh hưởng đến thận và đường tiêu hóa. Thay vào đó, có thể sử dụng thêm các thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp.
Theo VnExpress
Trả lời