Những công dụng tuyệt vời của thịt đà điểu nếu bạn biết ăn đúng cách
Nếu thịt đông lạnh, chỉ nên để ra ngoài khoảng 1 tiếng trước khi chế biến, hoặc có thể cho vào lò vi sóng để giã đông.
Thịt đà điểu không những bổ và lành mà còn mềm và thơm ngon. Tuy nhiên nếu không bảo quản đúng cách thì đây cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Thịt đà điểu được mệnh danh là “thực phẩm của thế kỷ 21”. Thời gian gần đây, thịt đà điểu là thực phẩm được nhiều bà nội trợ lựa chọn khi cải thiện bữa ăn gia đình. Đặc trưng của thịt đà điểu là thuộc họ gia cầm nhưng được nhiều người thích ăn hơn thịt gà, thịt vịt. Thịt đà điểu có vị ngon đặc trưng, thịt dai chứ không bở, ngọt vị, mềm hơn thịt bò… và đặc biệt chế biến được nhiều món, kết hợp với nhiều loại gia vị khác nhau.
Về cảm quan, thịt đà điểu giống như thịt bò nhưng ngọt và mềm hơn. Ảnh minh họa
Về dinh dưỡng, thịt đà điểu là loại thịt đỏ, ít mỡ giắt. Hàm lượng protein của thịt đà điểu tương đương thịt bò thịt gà, thịt cừu. Ăn thường xuyên thịt đà điểu không gây nguy cơ thừa cân, béo phì và bệnh tim mạch như các loại thịt khác.
Theo các nhà dinh dưỡng, thịt đà điểu có hàm lượng cholesterol thấp hơn cả thịt heo và thịt cừu. Trong khi đó, hàm lượng nước, protein, axit amin tương đương thịt bò, thịt gà. Ngoài ra, axit béo omega 3 giúp cho những người mắc chứng tim mạch hạn chế được bệnh, giúp trẻ em phát triển thể chất toàn diện hơn.
Với những phụ nữ mang thai và người thiếu máu, thịt đà điểu là thực phẩm giúp bổ sung chất sắt hữu hiệu với hàm lượng 3,2mg/100g thịt. Thịt đà điểu còn phù hợp với người cao tuổi, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh mãn tính, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Ngoài ra, mỡ của đà điểu có chứa axit béo không bão hòa, rất tốt cho sức khỏe. Trong mỡ có chứa phospho lipid nên còn có tác dụng chống được các bệnh về dị ứng da, viêm loét ngoài da…
Tuy nhiên, quy trình chế biến bảo quản nếu không đảm bảo vệ sinh thì dễ bị nhiễm khuẩn so với các loại thịt khác. Do độ pH của thịt giảm nhanh sau khi giết mổ, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở, vì vậy cần phải hết sức chú ý khâu bảo quản, không nên để lâu ở môi trường bên ngoài. Trường hợp nếu bảo quản lạnh chỉ nên kéo dài 2-3 tuần, thịt bao gói chân không thời gian bảo quản lạnh có thể kéo dài thêm.
Không nên ướp thịt đà điểu lâu với gia vị có vị mặn vì làm mất đi vị ngọt của thịt. Ảnh minh họa
Cách lựa chọn và chế biến thịt đà điểu
Trên thị trường xuất hiện các cơ sở sản xuất sản phẩm thịt đà điểu giả được phù phép từ thịt heo nái, thịt bò và phụ gia. Nếu xét về mặt cảm quan thì thịt đà điểu nhìn gần như thịt bò. Sau khi mua về cắt ra, màu thịt đà điểu bên trong và bên ngoài gần như cùng 1 màu đỏ sậm. Còn thịt đà điểu giả thì bên ngoài có màu đỏ đậm, bên trong thì màu hồng, đỏ nhạt.
Lưu ý: Không nên ướp thịt đà điểu với các gia vị có vị mặn như: muối, tiêu, ớt, bột canh, nước mắm… sẽ làm thịt ra nước, đánh mất vị ngọt và giảm chất lượng của thịt.
Nếu thịt đông lạnh, chỉ nên để ra ngoài khoảng 1 tiếng trước khi chế biến, hoặc có thể cho vào lò vi sóng để giã đông.
Trả lời