Những dấu hiệu kín của bệnh trầm cảm
Nguyên nhân đích xác của trầm cảm chưa được biết rõ. Các yếu tố di truyền, môi trường và mất cân bằng về hóa học có thể là những yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm (tại Hoa Kỳ, phụ nữ có nguy cơ bị trần cảm gấp hai lần nam giới).
Tất cả chúng ta đều đôi khi thấy buồn hay u ám trong phút chốc, và cũng là một điều rất đỗi bình thường khi bạn đau khổ trước một tình huống buồn bực nào đó, chẳng hạn như mất mát người thân trong gia đình, mất việc, hay li dị. Với hầu hết mọi người, cảm giác buồn bã và chán nản giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu những cảm giác kéo dài trên 2 tuần và bắt đầu cản trở đời sống thường nhật, có thể điều gì đó nghiêm trọng hơn cảm giác chán đời thông thường đã xảy ra. Đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Sau đây là một số dấu hiệu kín của bệnh trầm cảm :
Tự tin quá mức
Nhiều người, đặc biệt là những người thành công hơn xung quanh, thường đối phó với trầm cảm bằng cách đi ngược lại điều mà họ đang cảm nhận. Ví dụ như họ sẽ theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng một cách bất thường, hay từ bỏ việc làm hiện tại để theo đuổi công việc kinh doanh cá nhân. Phản ứng này có thể xảy ra khi một người cảm thấy vô vọng và không kiểm soát được mọi chuyện. Nỗ lực thái quá trong phòng ngủ cũng là điều đáng lưu ý đối với những cá nhân có thể mắc trầm cảm.
Uống bia rượu nhiều
Chất cồn có tác dụng gây tê hệ thần kinh, cho phép con người chịu đựng được những hoạt động mỗi ngày, theo nhận xét của nhà soạn kịch người Anh Bernard Shaw. Trên thực tế, hành động nhậu nhẹt là phương pháp đối phó phổ biến nhất mà con người thường áp dụng để tự điều trị những chấn thương về cảm xúc. Vấn đề ở đây là liệu pháp này thường đẩy họ vào tình trạng khủng hoảng kép chứ chẳng giúp xoa dịu được tinh thần đang nhức nhối.
Nóng giận không có lí do và không có cảm xúc
Một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm là dễ nổi nóng một cách vô chừng. Chỉ cần một vụ va quệt nhỏ là đủ khiến họ sửng cồ gây gổ. Hoặc nhiều người chọn cách lờ đi cảm xúc của chính mình, và hậu quả là không giải quyết được chuyện gì mà còn đẩy những người quan tâm vào tình thế khó xử. Một dấu hiệu nữa của trầm cảm là bạn gặp vấn đề khi tiếp nhận sự tán dương hoặc lòng tốt của người khác.
Đắm chìm trong các mối quan hệ xã hội
Giao tiếp rộng có vẻ là một hành động tích cực. Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm giúp bạn bớt cảm thấy lẻ loi hoặc không phải đối diện với những suy nghĩ và khoảnh khắc buồn bã thực tại, quan hệ xã giao không phải cách giải quyết vấn đề. Đó là chưa kể bạn sẽ chẳng vui vẻ gì khi tối ngày cố gắng lấp đầy thời gian bằng những cuộc hẹn hò vô bổ.
Khả năng tập trung kém
Nỗ lực hết mức nhưng không thể ngăn chặn những dòng suy nghĩ vẩn vơ tràn ngập đầu óc. Đây có thể là một dấu hiệu của trầm cảm. Nếu mơ mộng nhưng vạch ra được những biện pháp tiến đến mục tiêu cuối cùng, cứ tự nhiên. Nhưng nếu từ một người bình thường muốn trở thành ngôi sao chỉ trong một đêm, đó là khởi đầu của sự bất thường.
Chỉ biết làm cặm cụi, không có sáng tạo
Khi tinh thần xuống dốc, người ta không thể đưa ra một cách giải quyết đúng đắn cho một sự việc. Những người bị trầm cảm có thể vùi đầu vào công việc, nhưng kết quả lại chẳng khá khẩm gì, do sự minh mẫn của họ bị che lấp hoàn toàn. Và bất cứ vấn đề nào cũng có thể đẩy người bị trầm cảm vào tình trạng khóc cười khó đoán. Đơn giản là họ không làm chủ được cảm xúc của mình.
( Theo Thanh niên )
Trả lời