Những điều sai lầm khi gặp chứng mất ngủ
BS Phạm Văn Trụ cho rằng, điều này đúng một phần. Việc tập thể dục ngắn nhẹ nhàng trước khi ngủ là tốt, nhưng nếu tập quá nặng nhọc hoặc nhẹ nhưng kéo dài tới gần giờ đi ngủ vào buổi chiều tối lại không ổn.
Theo các chuyên gia: Tình trạng mất ngủ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Một người không ngủ đủ từ 6 đến 8 giờ trong một ngày sẽ cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, thiếu sức sống, từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc, giảm hiệu quả tiếp thu khi học hành. Để đối phó với chứng mất ngủ, có người nằm “đếm cừu” cầu mong giấc ngủ đến, hoặc đọc sách, xem phim cho “rũ” mắt ra, hay tập thể dục thật nặng với hy vọng giấc ngủ sẽ đến nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là những quan niệm sai lầm.
Các chuyên gia khuyên, nên tập thói quen đi ngủ, thức dậy đúng giờ. Ảnh minh họa
Chưa “quẳng gánh lo”, chưa ngủ được
Chị Thùy Anh (32 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) là nhân viên văn phòng một công ty chuyên về thiết bị giáo dục. Công việc không quá bận rộn, áp lực, ít phải di chuyển. Ấy vậy mà 2 tuần gần đây chị khó ngủ, mất ngủ. Có khi đang chập chờn đi vào giấc ngủ, chỉ cần một tiếng trở mình của chồng cũng khiến mắt chị “thao láo” nguyên đêm.
“Sếp tâm lý, đồng nghiệp thương, lại không phải lo tăng trưởng doanh số gì. Chồng ngoan con khỏe, nhưng không hiểu sao tôi lại không ngủ được”, chị Thùy Anh trình bày với bác sĩ khi đi khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Thậm chí, chị Thùy Anh còn chia sẻ, có những sáng tỉnh giấc, chị còn không rõ mình có ngủ được hay không (?). Nỗi ám ảnh không ngủ được theo chị từ bữa tối, cứ lên giường là chị lại “đếm cừu” liên tục mà giấc ngủ cứ mãi không đến.
Chứng mất ngủ hành hạ khiến chị Hương Thủy (ở Cần Thơ) sinh thói cáu bẳn, bứt rứt. Công việc ổn định, lương cao, gia đình hoà thuận nhưng chị vẫn thường xuyên bồn chồn, lo lắng, buồn chán không rõ nguyên nhân.
Đêm nào chị cũng cố hết sức vẫn không “dỗ” được giấc ngủ, trằn trọc mãi. Đến giờ ngủ là chị nằm lăn lộn, đến lúc chợp mắt khoảng 1-2 tiếng thì trời sáng, tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi tột độ, buồn ngủ nhưng không ngủ tiếp được.
Theo các bác sĩ về tâm thần học, thực tế nhiều bệnh nhân nữ mất ngủ thường không tự nhận thấy nguyên nhân gây mất ngủ của mình và cho rằng không hiểu tại sao không ngủ được. “Nhiều bệnh nhân khai mình không hề lo buồn, suy nghĩ gì thế mà vẫn không ngủ được. Khi bác sĩ cho dùng thuốc có tác dụng êm dịu giải lo thì dần dần giấc ngủ trở lại được”, BS Phạm Văn Trụ – Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết.
Theo BS Phạm Văn Trụ, nhiều bệnh nhân có thói quen “đếm cừu”, “đếm số” để cầu mong giấc ngủ đến. Điều này được khẳng định là không nên. Nếu chưa tháo gỡ hay giảm nhẹ trạng thái tâm lý bất ổn do stress, do ý nghĩ lo âu ám ảnh thì bạn vẫn khó vào giấc ngủ, dù có “đếm” đến hàng nghìn số.
Cùng đó, khi chưa giải tỏa được âu lo, nếu có ngủ được cũng nhanh thức giấc. Với những nữ bệnh nhân “không hiểu vì sao không ngủ được” trên đây, điều cần thiết là giải quyết những “mắc mớ” cản trở trong sinh hoạt, quan hệ hàng ngày để có thể tạm nhẹ đầu và dễ ngủ.
Những quan niệm sai lầm khi “chờ” giấc ngủ đến
Theo thống kê, người có giấc ngủ không đủ dưới 6 giờ trong đêm khá phổ biến, khoảng 37% người ở độ tuổi 20 – 39 và 40% người ở độ tuổi 40 – 59. Không ngủ ngon sẽ dẫn đến rối loạn quá trình hoạt động sinh lý của con người, trong đó một số nội tiết tố bình thường gây tăng nồng độ đường huyết trước khi chúng ta chuẩn bị cho công việc hàng ngày.
Lý giải cụ thể hơn, BS Phạm Văn Trụ cho biết, nếu như bị mất ngủ, sức khỏe của chúng ta sẽ suy kém, một số nội tiết tố như adrenaline và cortisol tăng nhanh trong máu gây ra trạng thái căng thẳng và làm cho huyết áp gia tăng, đồng thời nhịp tim trở nên rối loạn và hoạt động của hệ miễn dịch bị suy giảm.
Chính vì vậy, những người mất ngủ luôn cảm thấy lo lắng và khả năng mắc bệnh tâm thần, một số bệnh liên quan nhiều hơn. Người mất ngủ nhiều quá thường sợ đêm đến, ban ngày họ cũng không ngủ trưa được. Đây là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều cơn lo âu, ngoài những cơn lo lắng vô cớ tự đến.
Cứ như vậy, người bệnh tiếp tục ám ảnh sợ mất ngủ, sau những ám ảnh gây nên tình trạng không ngủ được trước đó. Lâu dài, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu như dễ chán nản, giảm hứng thú làm việc, không còn nhiều thiết tha với cuộc sống…
Thực tế, có nhiều người còn mắc những nhận định sai lầm về giấc ngủ. Đơn cử, có người nghĩ rằng giấc ngủ ngắn ban ngày sẽ giúp giấc ngủ ban đêm nhiều hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định điều này là sai lầm, tốt hơn là bỏ giấc ngủ ngắn, chập chờn ban ngày. Hoặc lại có những người ra sức luyện tập thể dục trước khi ngủ, mồ hôi vã ra như tắm, người mệt lả đi, là cách thức giúp có được giấc ngủ ngon.
BS Phạm Văn Trụ cho rằng, điều này đúng một phần. Việc tập thể dục ngắn nhẹ nhàng trước khi ngủ là tốt, nhưng nếu tập quá nặng nhọc hoặc nhẹ nhưng kéo dài tới gần giờ đi ngủ vào buổi chiều tối lại không ổn.
“Cũng có người cho rằng mỗi tuần ngủ nhiều một lần có thể bù đắp cho những ngày mất ngủ trước đó? Điều này hoàn toàn sai lầm vì không dễ dàng bù đắp giấc ngủ đã mất. Tốt hơn giữ giấc ngủ đều đều theo chu kỳ bình thường. Hơn nữa, giấc ngủ thường lệ giúp điều hòa hoạt động sinh học trong cơ thể con người và do đó giúp chúng ta dễ ngủ và ngủ ngon hơn”, BS Phạm Văn Trụ phân tích.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc điều trị mất ngủ không đơn thuần là chỉ dùng thuốc. Thay vào đó, bệnh nhân nên uống sữa hay dùng thức ăn nhẹ hâm nóng, uống thuốc theo chỉ dẫn, xem chương trình ca nhạc ưa thích, khi nào buồn ngủ thì đi nằm. Còn nếu một tuần hoàn toàn không ngủ được hoặc mất ngủ thường xuyên kéo dài từ một tháng trở lên thì phải đi khám.
Vệ sinh giấc ngủ bằng cách:
– Tập thói quen đi ngủ đúng giờ hàng đêm, thức sáng đúng giờ.
– Nơi ngủ yên tĩnh, tối dịu, thoáng, không quá lạnh và dĩ nhiên không nóng bức.
– Chuẩn bị giường chiếu hợp lý (hướng nằm không bị ánh sáng chiếu, màu sắc dịu nhẹ, không quá mềm với người lớn có bệnh về xương khớp cột sống, êm ái với người còn trẻ tuổi, gối đầu cao vừa phải…). Giường ngủ chỉ để ngủ, không đọc sách, xem ti vi hay nghe nhạc, không nên đếm để ngủ.
– Không nên để máy vi tính, các thiết bị công nghệ thông tin khác trong phòng ngủ.
– Không nên ăn no, uống say trước khi đi nằm.
Trả lời