Những nguyên nhân gây nên cơn đau vai, cổ, gáy
Các yếu tố như ngồi trước quạt, máy lạnh, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm đã làm sụt giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu ở các cơ, máu huyết lưu thông kém dẫn đến chứng đau nhức vai cổ, mình mẩy.
Thời tiết thất thường khiến nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp người hoặc đau tê dại vùng vai, gáy. Ngày càng nhiều người trẻ mắc hội chứng này.
Vì sao xuất hiện các cơ đau?
Khi bị đau cổ, vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động, bổ sung một số khoáng chất, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp. Ảnh: T.L
Khi bị đau cổ, vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động, bổ sung một số khoáng chất, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp. Ảnh: T.L
Sáng sớm mùng 1 Âm lịch, chị Nguyễn Minh Hương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) định bụng dậy sớm đi chợ mua đồ về thắp hương nhưng không hiểu sao bị nhức mỏi khắp mình mẩy, cố gượng dậy, chị Hương thấy hai bả vai đau nhức, tê mỏi cánh tay, cẳng tay, ngón tay khiến chị không muốn động chân động tay vào việc gì. Cứ nghĩ đêm nằm bị gió, chị bảo chồng cạo gió nhưng vẫn không thấy các cơn đau thuyên giảm.
Theo TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, hội chứng đau cổ, vai, gáy xảy ra mọi lứa tuổi, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ học như tư thế ngồi, lao động, gối đầu cao khi ngủ, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi…
Các yếu tố như ngồi trước quạt, máy lạnh, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm đã làm sụt giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu ở các cơ, máu huyết lưu thông kém dẫn đến chứng đau nhức vai cổ, mình mẩy.
Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu, cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có cảm giác nhức nhối như bị điện giật.
Có trường hợp cơn đau bả vai, cánh tay ở một bên, sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt.
Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài).
Đau thường có tính chất cơ học: Tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng.
Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém… ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.
Độ tuổi đau cổ, vai, gáy đang có xu hướng trẻ hóa với những người hay làm việc ở một tư thế trong thời gian dài như vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép, làm việc liên tục với máy tính, sơn trần, lái xe ôtô ở tư thế ghế ngửa ra phía sau, tay duỗi thẳng phía trước… khiến hoặc cơ bắp dễ tổn thương làm cho đĩa đệm cột sống cổ sớm suy thoái, sưng tấy, trực tiếp chèn ép lên các dây thần kinh tương quan vai, gáy gây đau đớn, khó chịu.
Cách đơn giản phòng chống đau vai, gáy, cổ
Cũng theo thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, nên phòng đau cổ, vai, gáy từ khi chưa có biểu hiện thương tổn bằng cách khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế.
-Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy, phần trên của vai phải đặt ở trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bắp bị kéo giãn.
-Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
-Khi nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp vào vai, nếu có chỗ gác tay sẽ giảm bớt độ căng các cơ ở cổ và bả vai…
– Những người lao động hay phải cúi (như diễn viên xiếc, đánh máy, phi công, tài xế…) nên có những bài tập riêng hàng ngày để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh vai, gáy.
Các phương pháp xoa bóp – ấn – gõ vùng cổ, vai, gáy, hoặc châm cứu, giác hơi, tập luyện và vật lý trị liệu trị chứng này.
Bên cạnh đó, cần tránh các tư thế như: Căng cổ ngước nhìn lên cao lâu, xoay đầu thường xuyên về bên đau, nâng hoặc kéo một vật với cổ gập, đọc sách ở tư thế cổ gập lâu, ngủ với gối cao hoặc nhiều gối…
Khi bị đau cổ, vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp.
Khi đau cổ, vai, gáy không xoay, vặn mạnh vì dễ gây tổn thương nặng các dây thần kinh. Không uống thuốc tùy tiện mà phải đi khám để được bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng.
Theo Gia đình và Xã hội
Trả lời