Những vất vả của nghề đi tìm thảo dược quý chốn rừng sâu
Bất chấp những cơn mưa đầu mùa tuôn xối xả, nhóm người vẫn cố sức vượt con đường trơn nhẫy dài gần trăm km từ ốc đảo Kon P’Ne đến thị trấn K’Bang (Gia Lai). Đã hơn 10 ngày đêm họ xuyên rừng để tìm Hoàng Đằng, một thảo dược để bào chế thuốc.
Họ là những người từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… đổ về các khu rừng ở K’Bang để lùng sục tìm Hoàng Đằng, còn gọi là lá Vằng, một loại thảo dược bào chế thuốc chữa bệnh đường ruột. Loại thuốc này đang được tiểu thương mua với giá 45.000-55.000 đồng một kg bất kể khô hay tươi, khiến nhiều người không quản ngại nguy hiểm kéo nhau vào rừng sâu để săn tìm.
Anh Nguyễn Văn Thanh, quê xã Cát Thủy, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có thâm niên nhất trong đoàn người tìm Hoàng Đằng này. Dừng chân lại ngầm nước Ia Jok khi trời đã nhá nhem tối, người đàn ông 43 tuổi có khuôn mặt khắc khổ, gầy gò đen nhẻm rít từng hơi thuốc, mắt đăm chiêu nhìn những vòng khói trắng phả ra uốn lượn.
Những người tìm thuốc dừng chân ở ngầm nước Ia Jok. Ảnh: Thanh Luận.
Không giấu cái nghiệp tìm dược liệu đầy hiểm nguy của mình, anh tâm sự: “Chúng tôi đi với ước muốn cải thiện cuộc sống gia đình. Nhà tôi có 4 người con một mẹ già nhưng chỉ trông chờ vào mấy sào khoai lang và những ngày đi biển làm thuê cho các chủ tàu. Vào mùa mưa bão, tàu không thể ra biển nên cả gia đình tôi cũng chẳng biết làm gì kiếm sống. Bí thế, tôi phải rủ mấy người quen trong thôn xóm lặn lội khắp các khu rừng tìm kiếm Hoàng Đằng về bán”.
Anh Thanh đã bước vào nghề này hơn 3 năm và được xem là một trong những người có kinh nghiệm nhất, dù vậy anh không biết người ta mua thứ dược liệu này để làm gì. Những trong đoàn của anh cũng vậy. Họ chỉ biết là bán Hoàng Đằng được rất nhiều tiền, có thể lo cho cuộc sống cả nhà.
Những người kiếm sống bằng nghề này đã lặn lội hầu hết tất cả cánh rừng ở Tây Nguyên, đâu có dây Hoàng Đằng sinh trưởng là họ tìm đến. Ngày nay số người đổ xô tìm kiếm loại dược thảo này quá đông nên lượng cây trở nên hiếm dần. Có khi mất cả tháng lặn lội xuyên rừng nhưng kết quả chỉ là những bao tải rỗng tuếch.
Anh Thanh thở dài: “Mấy năm trước, đồng bào J’rai, Bahnar ở K’Bang không biết dây này làm gì nên họ hay chỉ cho chúng tôi. Nhưng bây giờ thì khó lắm, tiểu thương đã lên tận các buôn, làng ở K’Bang, Mang Yang dạm mua với giá chỉ có 10.000-12.000 đồng một kg nên đồng bào dân tộc cũng tham gia tìm kiếm, họ không muốn chỉ nữa đâu”. 5 ngày qua, đoàn anh Thanh chưa tìm thấy một dây Hoàng Đằng nào.
Dây lá Hoàng Đằng dùng làm thuốc chữa viêm gan, viêm ruột…
Anh Lê Văn Tiến ở thôn Phú Giáo, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, người trẻ nhất trong đoàn anh Thanh cho biết: “Tôi định đi mùa này được bao nhiêu dành dụm ra Tết cưới vợ rồi bỏ nghề này luôn, nhưng với tình hình này phải nghĩ cách khác thôi…”. Cũng theo anh Tiến, các đoàn người tìm Hoàng Đằng thường liên kết để giúp đỡ lẫn nhau nhưng cũng không thể thoát khỏi rủi ro.
Mùa mưa năm ngoái, Tiến đi với đoàn của anh Hải ở Phú Yên lên Sơn Lang, huyện K’Bang tìm dây Hoàng Đằng. Chuyến đó cả đoàn thu hoạch được rất nhiều nên rất hào hứng. Bất ngờ trong khi đang cắt dây Hoàng Đằng ven suối Rok nằm giữa xã Sơ Pai và xã Sơn Lang, anh Hải bị rắn cắn. Cả đoàn hộc tốc chở anh đi cấp cứu nhưng không kịp. Hải đã đi mà chưa kịp nhìn mặt vợ con. Từ đó cả đoàn này tan rã. Nhưng rồi cái đói, cái nghèo cứ bám lấy gia đình nên lại buộc những người còn lại phải dấn thân vào rừng tiếp…
Trước đây K’Bang là xứ sở của Hoàng Đằng. Xí nghiệp Liên hiệp Kon Hà Nừng thời ấy đã lập cả một xưởng chuyên chiết xuất bột Hoàng Đằng nhưng rồi sau đó đóng cửa. Từ đó đến nay việc săn tìm loại dược liệu này trở thành “vô chính phủ” không còn ai kiểm soát. Chính sự khai thác vô tội vạ đã khiến Hoàng Đằng có nguy cơ cạn kiệt…Theo sách Đông Y, Hoàng Đằng là loại thảo dược có thể dùng để chữa viêm ruột, viêm bàng quang, viêm gan, đau mắt, mụn nhọt, sốt nóng, kiết lỵ.
Theo – VnExpress
Trả lời