Phương pháp chăm sóc đôi bàn chân khỏe mạnh
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản chúng ta có thể áp dụng để tác động vào hai bàn chân.
Xoa bóp
Tự xoa bóp hai bàn chân một ngày hai lần, sáng và tối, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút (nếu không có thời gian thì nên làm một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ).
Bắt đầu bằng việc xoa bóp phần mu chân với các thủ thuật xoa, xát, day, ấn, bóp; tiếp đến xoa bóp vùng lòng bàn chân và gót chân với các thủ thuật như vuốt, nắn, day, ấn, điểm, đấm…; tiếp tục tác động đến tất cả các ngón chân như ấn, vuốt, nắn, đẩy, kéo dãn; và cuối cùng là vận động khớp cổ chân và rung chân.
Khi xoa bóp bàn chân, có thể dùng dầu nhờn để xoa bóp đơn thuần hay sử dụng kem xoa bóp bàn chân có chứa các chất có công dụng làm giảm viêm, giảm đau, làm nóng da khi có những biểu hiện đau nhức ở phần mềm hay các khớp của bàn chân…
Lăn hai bàn chân trên một bàn lăn bằng gỗ, tác động của trục lăn trên da lòng bàn chân cũng kích thích những vùng phản xạ và các kinh huyệt ở lòng bàn chân, tốt cho vấn đề phục hồi sức khỏe
Rung bàn chân
Rung bàn chân bằng máy massage chân cũng có hiệu quả. Đây là một phương pháp đơn giản. Khi máy hoạt động sẽ tạo độ rung, chúng ta đặt hai bàn chân lên vị trí đã định sẵn trên thân máy và hai bàn chân sẽ được kích thích bằng cường độ rung của máy, cũng có một số loại máy vừa xoa bóp bàn chân vừa xoa bóp và nắn cả hai cẳng chân. Khi mua nên chọn loại nào mà khi thử mình có cảm giác dễ chịu nhất.
Ngâm chân
Có rất nhiều dạng ngâm chân, ở đây chỉ trình bày một số cách ngâm chân chúng ta có thể áp dụng tại nhà, ít tốn kém, đơn giản, tiện lợi, ai cũng có thể làm được.
Ngâm chân bằng nước ấm. Đổ nước ấm (khoảng 40 độ C) vào trong một chậu nhỏ, đủ để ngâm hai bàn chân với mực nước ngang cổ chân, trong vòng 15-20 phút.
Ngâm chân bằng nước muối ấm. Hòa vào trong chậu nước ấm hai muỗng canh muối sống (muối hột), cũng có thể dùng một số loại muối đặc biệt (dùng để tắm hoặc ngâm tay chân) được bán ngoài thị trường.
Ngâm chân bằng dược thảo. Khi chọn cách ngâm chân bằng dược thảo, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tiến hành cho đúng cách thì mới phát huy tốt nhất tác dụng của việc ngâm chân. Chúng ta nên ngâm chân với các loại dược thảo có tính ấm nóng cho những người có tạng “hàn” và những loại dược thảo có tính mát cho những người có tạng “nhiệt”. Có những bài thuốc ngâm chân thích hợp cho từng thể bệnh, thấp khớp, thoái hóa khớp, tê bì tay chân, cao huyết áp, mất ngủ, suy nhược thần kinh… các bệnh ngoài da của hai bàn chân như tổ đỉa, nấm ăn chân, chàm…
Ngâm chân bằng các loại hoa như hoa hồng, hoa bưởi, hoa cúc, hoa nhài…
Ngâm chân bằng một số loại trà xanh.
Ngâm chân bằng nước suối khoáng, bùn khoáng…
Nguồn: baomoi
Trả lời